Nhiều câu hỏi về tương lai của Syria sau khi chính phủ sụp đổ
Diễn biến chính trị bất ngờ trong chưa đầy hai tuần qua khiến nhiều câu hỏi được đặt ra về tương lai của người dân cũng như của đất nước Syria thời gian tới.
Sau khi lật đổ chính phủ Syria, nhóm đối lập Hồi giáo Ha'yat Tahrir al-Sham (HTS), lực lượng dẫn đầu cuộc lật đổ, vẫn chưa bộc lộ rõ ràng ý định thực sự và làm dấy lên nhiều câu hỏi về tương lai chính trị đất nước.
Tại thành phố Idlib, HTS duy trì quyền lực bằng những biện pháp kiểm soát cứng rắn, bất chấp những tuyên bố về tự do và công bằng. Các thông tin về việc HTS tấn công người Kurd và hành động lạm quyền trong các nhà tù của nhóm này khiến nhiều người nghi ngờ về ý định thực sự của thủ lĩnh nhóm là Abu Mohammed al-Jolani.
Cùng lúc đó, Ngân hàng Trung ương Syria bị cướp bóc sau khi Tổng thống Bashar al-Assad rời đất nước, gợi nhớ những hình ảnh hỗn loạn ở Baghdad sau khi nhà lãnh đạo Saddam Hussein bị lật đổ vào năm 2003.
Mặc dù HTS tạm thời kiểm soát Damascus, nhưng Syria vẫn là một quốc gia đầy rẫy bất ổn. Lượng vũ khí dồi dào và tâm lý tuyệt vọng của người dân sau 13 năm nội chiến là mảnh đất màu mỡ cho các cuộc nổi loạn mới. Tốc độ sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad là đáng kinh ngạc, nhưng điều đó không đảm bảo rằng trật tự mới của HTS sẽ không bị phản đối.
Trong khi đó, vai trò của các cộng đồng tôn giáo và dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Kurd, cũng đặt ra câu hỏi lớn về khả năng hòa giải và ổn định lâu dài tại Syria.
Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad đã khiến các cường quốc khu vực phải điều chỉnh chiến lược. Các quốc gia Arab như Saudi Arabia, Ai Cập và UAE, vốn đã tìm cách bình thường hóa quan hệ với Tổng thống Assad, nay đối mặt với nguy cơ HTS nắm quyền, một kịch bản họ không mong muốn. Các nước này lo ngại HTS sẽ củng cố quyền lực chính trị Hồi giáo và khơi dậy phong trào phản đối chính quyền tại các quốc gia của họ.
Với Israel, sự sụp đổ của Tổng thống Assad mang lại cơ hội lật ngược ảnh hưởng của Iran trong khu vực nhưng cũng tạo ra thách thức mới.
Một chính phủ Hồi giáo tại Damascus, đặc biệt với Abu Mohammed al-Jolani, người từng tuyên bố chủ quyền với Cao nguyên Golan, làm tăng nguy cơ đối đầu với Israel.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ dường như là quốc gia duy nhất hưởng lợi trực tiếp. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã âm thầm hỗ trợ việc lật đổ Tổng thống Assad, nhưng liệu Ankara có thể kiểm soát được HTS và định hình trật tự tại Syria hay không vẫn là một dấu hỏi lớn.
Tại Washington, sự sụp đổ của ông Assad đặt chính quyền Mỹ trước một ngã rẽ chiến lược. Sau nhiều năm đứng ngoài cuộc, cả Tổng thống Joe Biden và Tổng thống đắc cử Donald Trump đều phát tín hiệu rõ ràng rằng Mỹ không nên can thiệp sâu vào tình hình Syria. Dẫu vậy, một Syria bất ổn có thể ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ và đồng minh trong khu vực.
Syria đang đứng trước một ngã rẽ lịch sử sau sự sụp đổ của Tổng thống Bashar al-Assad. Trong khi người dân Syria hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn, thì những rủi ro của bất ổn, nội chiến mới và các toan tính chính trị từ bên ngoài vẫn là mối đe dọa hiện hữu.
Syria của người Syria, nhưng con đường đến một trật tự hòa bình và ổn định vẫn còn đầy chông gai.