Nhiều cầu treo ở miền núi Thanh Hóa cần kinh phí duy tu, sửa chữa
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 45 cầu treo dân sinh thuộc 9 huyện miền núi, trong số 40 cầu treo đang sử dụng, khai thác, có 12 cầu treo đã hư hỏng, xuống cấp, chiếm tỷ lệ 30%. Các cầu treo này phần lớn được xây dựng từ năm 2006 đến năm 2017 và không được kiểm định.
Những năm qua, việc đầu tư các cầu treo qua sông, suối đã giúp người dân khu vực miền núi Thanh Hóa thuận lợi đi lại, sản xuất, học tập. Tuy nhiên, hiện nay do đưa vào sử dụng nhiều năm chưa được duy tu, bảo dưỡng nên nhiều cầu treo đã bị xuống cấp, hư hỏng gây mất an toàn cho tính mạng và tài sản người dân, đặc biệt vào mùa mưa lũ đang đến gần.
Cây cầu treo nối giữa thôn 3 và thôn Chiềng Long, xã Ban Công, huyện Bá Thước hiện phục vụ nhu cầu đi lại, dân sinh cho khoảng hơn 1.000 hộ dân. Tuy nhiên, sau gần 15 năm đưa vào sử dụng, cây cầu này đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo quan sát, cầu có chiều dài 48m, rộng 2m, kết cấu dầm thép, mặt cầu bằng tre luồng, lan can dây thép và cáp. Mặt cầu được làm bằng tre, luồng gia cố, các mố gia cố đã lỏng lẻo. Tre luồng mặt cầu bị dồn cục bộ tại một số vị trí, tạo nên những lỗ hổng lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người đi qua cầu. Trong khi đó, hai bên lan can cầu được cấu kết bằng những dây thép đã hoen gỉ, các điểm nối, buộc tạm sơ sài... Chính quyền địa phương vận động bà con quyên góp kinh phí, tre, luồng, công để gia cố tạm bợ chứ không có nguồn kinh phí nào để duy tu, bảo dưỡng.
Lo ngại về sự mất an toàn của người dân khi lưu thông qua cây cầu này, ông Lò Văn Vĩnh, thôn 3, xã Ban Công cho biết, mỗi khi người dân đi qua, cây cầu treo này bị lắc, rung mạnh, nghiêng về một bên và điều này gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân. Địa phương đã ghi nhận nhiều trường hợp bị rơi xuống sông khi lưu thông qua cầu.
Ông Lương Văn Tư, Bí thư Đảng ủy xã Ban Công, huyện Bá Thước chia sẻ, trước mắt chính quyền và người dân ở xã Ban Công rất mong mỏi được cấp trên quan tâm đầu tư sửa chữa cây cầu treo này, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân mỗi khi lưu thông. Về lâu dài, chính quyền và người dân đều mong muốn được nhà nước đầu tư cây cầu cứng để cho bà con thuận tiện đi lại, sản xuất, đời sống ổn định vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Theo ông Trần Duy Tiến, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng, UBND huyện Bá Thước, trên địa bàn huyện Bá Thước có 10 cầu treo dân sinh; trong đó, có 2 cầu lưu thông bình thường, 2 cầu hư hỏng nặng và 6 cầu lưu thông tạm. UBND huyện đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các xã có cầu treo duy tu, khắc phục, sửa chữa hư hỏng; xây dựng nội quy cầu, tải trọng khai thác, phương thức lưu thông qua cầu. Địa phương đề nghị Sở Giao thông Vận tải quan tâm kiểm định và hướng dẫn hỗ trợ kinh phí hàng năm cho xã thực hiện công tác duy tu, sửa chữa. UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng cầu cứng thay thế các cầu tạm, cầu treo dân sinh đã xuống cấp…
Trận lũ lịch sử năm 2017 càn quét trên địa bàn các huyện miền núi Thanh Hóa đã khiến cầu treo xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh bị hư hỏng nghiêm trọng. Theo đó phần mố của 1 bên cầu được gia cố nhằm bảo vệ cầu đã bị sạt; 2 bên lan can của cầu đã có vị trí bị đứt gãy và các dây néo có hiện tượng bị trùng… mỗi khi có phương tiện đi qua đều bị rung lắc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Ông Hà Văn Tĩnh, thôn Tân Thủy, xã Tân Phú cho biết, khó khăn nhất là vào mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, các hộ dân trong thôn gần như bị chia cắt hoàn toàn vì cầu treo không đảm bảo an toàn để lưu thông. Mong muốn chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ kinh phí để địa phương duy tu, sửa chữa cầu.
Theo ông Hà Văn Việt, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng, UBND huyện Lang Chánh, địa phương hiện có 7 cầu treo dân sinh phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ở các xã Tam Văn, Tân Phúc, Giao Thiện, Trí Nang, Yên Thắng và thị trấn Lang Chánh. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm đưa vào khai thác, cả 7/7 cầu đều đã có dấu hiệu xuống cấp; các dây néo đã bị trùng, mặt sàn và lan can của cầu đều bị bung các mối nối... Để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại trên cầu, trước mắt UBND huyện Lang Chánh đã bổ sung biển báo quy định các loại phương tiện được phép lưu thông qua cầu. Đồng thời, yêu cầu UBND các xã có cầu treo tiến hành sửa chữa những hư hỏng nhỏ từ nguồn ngân sách địa phương.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 45 cầu treo dân sinh thuộc 9 huyện miền núi, trong số 40 cầu treo đang sử dụng, khai thác, có 12 cầu treo đã hư hỏng, xuống cấp, chiếm tỷ lệ 30%. Các cầu treo này phần lớn được xây dựng từ năm 2006 đến năm 2017 và không được kiểm định. Trong điều kiện ngân sách các huyện miền núi còn khó khăn, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa đang đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí sửa chữa 12 cầu treo bị hư hỏng, xuống cấp, dự kiến tổng kinh phí sửa chữa khoảng 8 tỷ đồng; xây dựng 8 cầu cứng thay thế cầu treo với kinh phí khoảng 120 tỷ đồng.
Đặc thù địa bàn miền núi, bị chia cắt bởi sông suối, thời gian qua những cây cầu treo đã góp phần quan trọng thúc đẩy giao thương, phục vụ đời sống và phát triển kinh tế của người dân các huyện miền núi Thanh Hóa.
Do vậy, nếu không sớm có biện pháp sửa chữa, gia cố những hạng mục hư hỏng sẽ khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông qua cầu…