Nhiều cha mẹ 'bỏ quên' sức khỏe mắt của con

Do sự thiếu hiểu biết, thờ ơ trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe mắt cho con của nhiều bậc phụ huynh nên số trẻ mắc tật khúc xạ về mắt ngày càng tăng trong thời buổi các thiết bị công nghệ lên ngôi.

Bác sĩ Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương khám mắt cho một trẻ nghi bị tật khúc xạ

Bác sĩ Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương khám mắt cho một trẻ nghi bị tật khúc xạ

Số trẻ mắc tật khúc xạ (TKX) đang ngày càng tăng về mức độ và số lượng, ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt, học tập và tương lai. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do cha mẹ thiếu hiểu biết, thờ ơ trong việc bảo vệ, chăm sóc mắt cho con.

Thiếu hiểu biết

Thời gian gần đây, chị N.T.P. ở TP Hải Dương thấy con gái hơn 4 tuổi thường xuyên nháy mắt, thỉnh thoảng nhìn nghiêng khi xem ti vi. Chị P. cho con đi khám và được bác sĩ kết luận bị loạn thị. Chị P. thừa nhận việc thiếu kiến thức bảo vệ, chăm sóc mắt là nguyên nhân khiến con chị bị TKX từ khi còn quá nhỏ. “Nhà buôn bán nên công việc rất bận. Con tôi lại hay quấy khóc nên cứ vứt cho cháu cái điện thoại mới yên chuyện. Lúc nó ngồi ăn, đi đâu chơi cũng phải giữ khư khư cái điện thoại trên tay… Tất cả là tại vợ chồng tôi thiếu hiểu biết, chủ quan”, chị P. rầu rĩ nói.

Em N.N.A.D., học lớp 5 một trường tiểu học ở Tứ Kỳ vừa được mẹ đưa đi viện khám sau khi thấy mắt nhức mỏi, nhìn mờ. Sau buổi khám, D. được bác sĩ chỉ định phải keo kính vì mắt trái bị cận thị, còn mắt phải vừa cận thị, vừa loạn thị. “Cháu có nói với bố mẹ về tình trạng mắt của mình từ cách đây mấy tháng. Nhưng chúng tôi chủ quan, nghĩ cháu học nhiều, ngủ ít nên mới vậy, chỉ cần nghỉ ngơi vài ngày là đỡ. Hôm trước cháu bảo con ngồi giữa lớp nhìn lên bảng mà không rõ chữ thầy cô viết nên vợ chồng tôi mới đưa cháu đi viện khám”, chị N.T.B. (mẹ của D.) chia sẻ.

Chúng tôi tìm hiểu tại một số cửa hàng kính mắt ở TP Hải Dương và các huyện Bình Giang, Thanh Miện thì thấy cứ 10 khách đến kiểm tra thị lực thì có từ 3-5 học sinh. Nhiều trẻ lần đầu phát hiện bị TKX mà chủ yếu là cận thị do tiếp xúc nhiều với máy tính, điện thoại.

Từ đầu năm đến nay, trong số hàng nghìn bệnh nhân đến Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương khám các bệnh về mắt có khoảng 30-35% là trẻ em. Bác sĩ Trần Thị Tuyến, Trưởng Khoa Khám bệnh - Cấp cứu của bệnh viện này thông tin, tỷ lệ trẻ mắc TKX đang ngày càng tăng về mức độ và số lượng. Trẻ bị TKX có xu hướng chuyển từ nhóm học sinh THCS và THPT sang nhóm học sinh tiểu học. Có thể trong 2 năm vừa qua, các em phải học trực tuyến nhiều. Rất nhiều trường hợp trẻ ngồi sai tư thế trong quá trình học, học trong điều kiện ánh sáng không bảo đảm… Bên cạnh đó, một bộ phận cha mẹ thiếu hiểu biết, thờ ơ, nuông chiều hoặc thiếu sự kiểm soát, để cho con tùy tiện sử dụng điện thoại, xem ti vi nhiều giờ mỗi ngày. Cá biệt có trẻ mới 3 tuổi đã bị TKX, nháy mắt, nhìn nghiêng, mắt bị lé cũng bởi nguyên nhân này. “Trước thường thì chỉ người lớn bị cận thị phải đeo kính 7-10 đi ốp, bây giờ học sinh cũng không hiếm”, bác sĩ Tuyến thông tin.

Trẻ thường xuyên xem điện thoại rất dễ mắc tật khúc xạ

Trẻ thường xuyên xem điện thoại rất dễ mắc tật khúc xạ

Giảm thị lực vĩnh viễn
Theo các chuyên gia, trẻ bị TKX do yếu tố bẩm sinh rất ít mà chủ yếu do nguyên nhân chủ quan. Việc để con tiếp xúc nhiều với ti vi, máy tính, điện thoại từ 2 giờ mỗi ngày trở lên sẽ khiến trẻ rất dễ bị TKX. Trên thực tế có nhiều trẻ 3-4 tuổi đã mắc TKX nhưng cha mẹ không hề hay biết. Khi thấy con gặp các vấn đề về mắt thì cha mẹ mới cho đi khám. Việc điều trị nâng cao thị lực cho trẻ lúc này sẽ rất khó khăn, thậm chí là không thể phục hồi, ảnh hưởng đến việc học tập và cuộc sống sau này.

Bác sĩ Trần Thị Tuyến cảnh báo, khi trẻ nhìn gần nhiều sẽ sinh ra TKX, phải đeo kính cận. Độ cận của trẻ sẽ ngày càng phát triển, có nguy cơ gây ra tân rách võng mạc, rách võng mạc, thậm chí biến chứng làm giảm thị lực vĩnh viễn. Nếu một học sinh tiểu học đã phải đeo mắt kính từ 6 đi ốp trở lên thì lên cấp 3 có khả năng cao sẽ phải đeo 10 đi ốp, lúc đó có mổ thì thị lực cũng chỉ cải thiện phần nào.

Mắt của trẻ dưới 13 tuổi có khả năng điều tiết tốt. Ở độ tuổi này trẻ vẫn còn khả năng điều chỉnh nâng cao thị lực. Cha mẹ cần cho con đi khám khúc xạ từ khi lên 3 tuổi để phòng ngừa nguy cơ từ xa. Việc này sau đó cần được thực hiện định kỳ 6 tháng đến 1 năm/lần. Đối với trẻ bị TKX đã đeo kính thường xuyên cũng cần được đi khám định kỳ để thay đổi số kính đeo phù hợp.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo trẻ cần ngủ đủ giấc, ăn nhiều các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe của mắt như rau, củ, quả, các loại hạt, cá hồi…

BÌNH MINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/y-te---suc-khoe/nhieu-cha-me-bo-quen-suc-khoe-mat-cua-con-221960