Nhiều chỉ số chứng khoán thế giới chuyển động trái chiều
Kết thúc ngày giao dịch 14/3, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm bất chấp những tín hiệu tích cực trong đàm phán Nga-Ukraine cũng như giá dầu thô giảm do các tác động của các biện pháp phong tỏa mới ở Trung Quốc để ngăn chặn dịch COVID-19. Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Âu chuyển động theo chiều ngược lại.
Chốt ngày giao dịch 14/3, tại Mỹ, chỉ số Nasdaq giảm 2% trong khi S&P 500 giảm 0,7% dù khởi động ngày giao dịch với những sắc xanh. Chứng khoán Phố Wall giảm điểm vào cuối ngày được cho là vì các nhà đầu tư bắt đầu lo ngại hơn về khả năng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị tăng lãi suất. Quyết định sẽ được đưa ra sau khi cuộc họp chính sách kết thúc trong ngày 16/3. Trong khi đó, việc Trung Quốc áp dụng trở lại biện pháp phong tỏa địa phương để ngăn chặn ổ dịch COVID-19 mới cũng gây lo ngại vì tăng nguy cơ chuỗi cung ứng tiếp tục gián đoạn, đẩy giá cả nhiều mặt hàng lên cao.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, sau phiên giao dịch đầu ngày giảm giá, chứng khoán châu Âu chốt ngày 14/3 trong trạng thái tăng điểm sau khi Nga thông báo đạt tiến triển trong đàm phán với Ukraine. Thị trường chứng khoán Frankfurt (Đức) kết thúc ngày giao dịch 14/3 với mức tăng 2,2% trong khi tại Paris (Pháp), mức tăng là 1,8% và tại London (Anh) là 0,6%. Nhà phân tích Neil Wilson từ Markets.com cho rằng chỉ riêng thông tin Nga thông báo đạt tiến triển trong đàm phán với Ukriane đã giúp giải tỏa tâm lý rõ ràng cho các nhà đầu tư châu Âu.
Còn ở châu Á, nhà đầu tư lo ngại các biện pháp phong tỏa tại Trung Quốc có thể khiến nhu cầu dầu thô của nền kinh tế nước này sụt giảm. Đáng chú ý, giá chứng khoán tại thị trường Hong Kong giảm mạnh (5%) khi thông tin thành phố Thâm Quyến, được coi là thủ phủ của lĩnh vực công nghệ Trung Quốc, bị phong tỏa. Chứng khoán Thượng Hải cũng giảm 2,6% vào cuối ngày 14/3. Nhà phân tích Susannah Streeter từ Hargreaves Lansdown cho rằng tình hình dịch bệnh lây lan mạnh tại Trung Quốc đang khiến các nhà đầu tư bất an, lo ngại những biện pháp phong tỏa trên diện rộng sẽ một lần nữa khiến hoạt động kinh tế nước này chững lại.
Nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm nếu sản lượng kinh tế Trung Quốc giảm. Giá dầu thô tiếp tục giảm sau khi tăng lên mốc gần 140 USD/thùng vào tuần trước, mức cao nhất trong gần 14 năm. Tuy nhiên, giá dầu thành phẩm, nhiên liệu chính của nền kinh tế thế giới, vẫn tiếp tục tăng, góp phần đưa lạm phát lên cao.