Nhiều chính sách chăm lo đồng bào dân tộc thiểu số vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 11-5, tại thành phố Cần Thơ, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ phối hợp cùng Ban Công tác phía Nam Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trường Đại học Cần Thơ, Viện FNF tại Việt Nam và Vụ Công tác Dân tộc địa phương (Ủy ban Dân tộc) tổ chức hội thảo 'Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng Đồng bằng sông Cửu Long'.

Đồng bằng sông Cửu Long có 1,3 triệu người dân tộc thiểu số, chiếm 7,58% dân số của vùng và chiếm 9,28% số người dân tộc thiểu số cả nước, trong đó chủ yếu là dân tộc Khmer. Trong các năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, với quan điểm: “Tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là đầu tư cho phát triển, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nhằm đạt mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau".

 Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ những nội dung như: Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đối với vùng ồng bằng sông Cửu Long; tìm ra giải pháp thiết thực trong việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng...

Ông Nguyễn Trung Nhân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Trung Nhân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ phát biểu tại hội thảo.

Theo các đại biểu cần tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; khai thác tiềm năng lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Có chính sách đầu tư đúng, tạo điều kiện phát huy vai trò của chủ thể văn hóa – đồng bào các dân tộc trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng và phát triển đất nước.

Tin, ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/dan-toc-ton-giao/nhieu-chinh-sach-cham-lo-dong-bao-dan-toc-thieu-so-vung-dong-bang-song-cuu-long-727814