Nhiều chính sách hỗ trợ người dân Hà Nội đổi xe máy xăng sang xe điện

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết TP Hà Nội đang tích cực làm việc với các doanh nghiệp để có nhiều chính sách hỗ trợ người dân trong đường vành đai 1 khi chuyển đổi xe máy xăng, dầu sang xe sử dụng năng lượng xanh…

Ngày 18-7, báo Dân trí phối hợp với Văn phòng UBND TP Hà Nội tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Chuyển đổi xe máy xăng ở nội đô: Vì một Hà Nội xanh".

Áp lực ô nhiễm không khí nội đô

Tại tọa đàm, các ý kiến đều nhấn mạnh hiện trạng ô nhiễm không khí gia tăng, hạ tầng quá tải, giao thông cá nhân phát triển nóng… buộc Hà Nội không thể trì hoãn trong chuyển đổi xanh trong giao thông thêm nữa.

Ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho hay toàn Thành phố hiện có hơn 7,6 triệu phương tiện cơ giới, trong đó xe máy chiếm khoảng 87%. Đây là con số khổng lồ, tạo áp lực lớn không chỉ về hạ tầng giao thông mà còn là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường đô thị.

Theo ông Long, phương tiện giao thông chạy xăng dầu, đặc biệt là xe máy đã qua sử dụng lâu năm, là nguồn phát thải lớn nhất gây ô nhiễm không khí ở Thủ đô. “Xe máy cũ, không được kiểm định khí thải, thải ra một lượng lớn bụi mịn và khí độc, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng,” ông Long nói.

 Toàn cảnh buổi tọa đàm: "Chuyển đổi xe máy xăng ở nội đô: Vì một Hà Nội xanh".

Toàn cảnh buổi tọa đàm: "Chuyển đổi xe máy xăng ở nội đô: Vì một Hà Nội xanh".

Ông Long dẫn số liệu thống kê từ các trạm quan trắc cho thấy chất lượng không khí ở nhiều khu vực nội đô Hà Nội thường xuyên ở mức kém, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng riêng xe máy và ô tô con đã đóng góp đến 70% lượng phát thải CO, NOx và bụi mịn PM2.5 tại các đô thị lớn ở Việt Nam.

Trong khi đó, mật độ dân cư tại khu vực nội thành ngày càng cao, không gian xanh hạn chế, tỷ lệ người dân di chuyển bằng phương tiện cá nhân vẫn chiếm tới 85%. Những yếu tố này khiến Hà Nội phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.

“Không thể để Hà Nội rơi vào trạng thái đô thị ngột ngạt vì khói xe. Việc chuyển đổi phương tiện, nhất là xe máy xăng, là xu thế tất yếu và là yêu cầu cấp bách,” ông Long nhấn mạnh.

 Ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội.

Ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội.

Theo các chuyên gia, nhà quản lý, áp lực ô nhiễm không khí đã bắt buộc Hà Nội phải thực hiện chuyển đổi xanh, tiến tới hạn chế các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trong đó có cấm xe máy chạy xăng, dầu.

“Cách đây hơn 20 năm, vấn nạn về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường tại Bắc Kinh (Trung Quốc) là khủng khiếp, còn hơn chúng ta bây giờ nhưng họ đã quyết tâm làm và thành công. Hà Nội cũng không thể không làm vì đây là chủ trương đúng, vì sức khỏe người dân, và vì một thủ đô xứng tầm xanh, sạch, không ô nhiễm”, ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Tài chính - Đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội nhận định.

Rõ lộ trình, chuẩn bị điều kiện đủ

Ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Tài chính - Đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội cho hay theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng, lộ trình hạn chế và tiến tới dừng xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại Hà Nội được chia làm ba giai đoạn: từ nay đến 1-7-2026; từ 1-1-2028; và giai đoạn sau năm 2030.

Theo ông Thành, Hà Nội đã chuẩn bị cho lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân, xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại nội đô để giảm ùn tắc và ô nhiễm từ nhiều năm trước bằng nghị quyết 04/2017 và kế hoạch thực hiện nghị quyết với 45 nhiệm vụ của HĐND TP Hà Nội.

Trong đó, các nhiệm vụ chính như: tăng cường kết cấu, hạ tầng giao thông; phát triển vận tải công cộng; ứng dụng khoa học công nghệ; chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh cho Thủ đô…

 Ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Tài chính - Đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội.

Ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Tài chính - Đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội.

“8 năm qua, Hà Nội đã, đang đồng loạt thực hiện các nhiệm vụ này”, ông Thành nói và dẫn chứng đến nay, Hà Nội đã có 26 tuyến/154 tuyến buýt chạy bằng năng lượng xanh, năng lượng sạch (năm 2017 chưa có tuyến nào) và gần 8.000 taxi xanh/1.9000 taxi hoạt động (chiếm gần 50%)…

Ngay sau khi Thủ tướng ban hành chỉ thị 20, TP Hà Nội đã vào cuộc xây dựng kế hoạch cụ thể đặt ra các tiêu chí, giải pháp, lộ trình, các chính sách phù hợp để thực hiện, dự kiến cuối tháng 7-2025 có thể xem xét ban hành.

“Ngay lúc này, Thành phố đã yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương chuẩn bị điều kiện để đến 1-7-2026 có thể cấm hoàn toàn xe máy xăng lưu thông trong khu vực vành đai 1”, ông Thành nói.

Theo đó, ông Thành cho hay trước mắt TP phải chuẩn bị hàng loạt công việc, từ hạ tầng trạm sạc điện để phục vụ chuyển đổi sang xe xanh, bãi đỗ xe ven đường vành đai 1, các phương tiện thay thế, hỗ trợ chuyển đổi xanh…

“Đến tháng 7-2026 sẽ cấm xe máy xăng trong vành đai 1, câu hỏi đầu tiên của người dân sẽ là: không dùng xe máy xăng thì tôi đi bằng gì? Trách nhiệm của thành phố là phải sắp xếp lại toàn bộ mạng lưới vận tải hành khách công cộng để trả lời câu hỏi đó”, ông Thành nói và cho biết hiện vành đai 1 đang có 45 tuyến buýt hoạt động, tới đây TP sẽ bổ sung ngay các thêm các xe buýt nhỏ, điểm dừng đỗ, các trạm trung chuyển giao thông tại khu vực này.

Chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi

Tại tọa đàm, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết hiện nay trong vành đai 1 Hà Nội có khoảng 600.000 dân với khoảng 450.000 phương tiện xe máy các loại.

“Thành phố xác định chuyển đổi không thể chỉ bằng mệnh lệnh hành chính, mà phải đi kèm hỗ trợ cụ thể, sát thực tế. Chúng tôi không để người dân bị động hay bị bỏ lại phía sau”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đào Việt Long nói.

 Tại khu vực đường vành đai 1 có khoảng 600.000 dân với 450.000 xe máy các loại. Ảnh: PHI HÙNG

Tại khu vực đường vành đai 1 có khoảng 600.000 dân với 450.000 xe máy các loại. Ảnh: PHI HÙNG

Ông Long cho hay Hà Nội đang làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối xe điện để xây dựng các gói hỗ trợ thu mua xe cũ, ưu đãi khi mua xe điện mới, đồng thời trợ giá phí đăng ký, lắp đặt trạm sạc tại hộ gia đình. Thành phố cũng kiến nghị Trung ương xem xét miễn, giảm lệ phí trước bạ và thuế VAT cho xe điện 2 bánh.

Ngoài hỗ trợ trực tiếp, Hà Nội cũng thúc đẩy phát triển hạ tầng trạm sạc công cộng. Hơn 200 điểm sạc đã được lắp đặt tại các quận trung tâm, bãi gửi xe, khu chung cư. Thành phố dự kiến mở rộng lên 1.000 điểm sạc vào cuối năm 2026.

Đặc biệt, Hà Nội chú trọng mở rộng phương tiện giao thông công cộng để tạo lựa chọn thay thế cho người dân không còn sử dụng xe máy xăng. Hàng loạt tuyến buýt điện, minibus chạy tuyến ngắn, xe buýt gom đang được đưa vào vận hành. Ứng dụng tích hợp phương tiện công cộng và chia sẻ cũng đang được triển khai nhằm tăng tính tiện lợi.

“Người dân chỉ chuyển đổi khi thấy tiện hơn, rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn. Chúng tôi đang làm mọi thứ để điều đó trở thành hiện thực”, ông Long khẳng định.

TRỌNG PHÚ

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-chinh-sach-ho-tro-nguoi-dan-ha-noi-doi-xe-may-xang-sang-xe-dien-post861047.html