Nhiều chính sách mới năm 2022
Hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển, thậm chí còn bị thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra và xử lý
Từ tháng 1-2022, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020... có hiệu lực thi hành.
Vi phạm giao thông bị phạt đến 75 triệu đồng
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với 16 chương, 171 điều với các điểm mới quan trọng như mở rộng phạm vi điều chỉnh, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao.
Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của luật này là quy định chặt chẽ về nghĩa vụ phân loại rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình, cá nhân. Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển, thậm chí còn bị thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra và xử lý theo quy định. Theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP năm 2016 của Chính phủ, không phân loại rác có thể sẽ bị phạt từ 15-20 triệu đồng. Ngoài ra, luật mới cũng quy định giá của dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sẽ được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại, tức là kể từ ngày 1-1-2022, gia đình, cá nhân nào càng xả nhiều rác thì càng phải trả nhiều tiền.
Theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với cá nhân sẽ là 75 triệu đồng. Trong khi đó, theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với cá nhân là 40 triệu đồng.
Ngoài ra, luật cũng sửa đổi quy định về số tiền được hoãn thi hành áp dụng cho cá nhân theo xu hướng giảm số tiền được hoãn phạt từ 3 triệu đồng trở lên còn 2 triệu đồng trở lên đối với những cá nhân đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo.
Kiểm soát chặt các hoạt động liên quan đến ma túy
Luật Phòng chống ma túy năm 2021 có một số điểm mới như: Các quy định đã thể hiện rõ quan điểm về kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có liên quan đến ma túy, tiền chất (tại chương 3) và quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép ma túy ngay từ lần phát hiện đầu tiên (tại chương 4).
Quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng chống ma túy. Bổ sung quy định xác định rõ các cơ quan chuyên trách phòng chống tội phạm về ma túy và nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan này (tại chương 2). Bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy. Bổ sung quy định các trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện ma túy nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác phân loại, quản lý đối tượng và việc áp dụng các biện pháp quản lý, cai nghiện phù hợp. Và bổ sung các quy định về cai nghiện ma túy.
Về chuẩn nghèo đa chiều, Nghị định 07/2021/NĐ-CP thay thế cho Quyết định 59 đã được ban hành từ năm 2015. Theo đó, từ năm 2022, hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống ở thành thị và từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn; thiếu hụt 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên được coi là hộ nghèo. Trước đây, ở thành thị, hộ gia đình phải có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; hoặc trên 900.000 đồng đến 1,3 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên thì mới được coi là hộ nghèo. Còn ở nông thôn, hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; hoặc trên 700.000 đồng đến 1 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Ngoài ra, theo Nghị định 108 của Chính phủ, những người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng sẽ được tăng lên 7,4% so với tháng 12-2021. Mức tăng này sẽ áp dụng từ ngày 1-1-2022. Sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức tăng nêu trên, mà mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng vẫn thấp hơn 2,5 triệu đồng/tháng, người nghỉ hưu trước năm 1995 còn được tăng thêm với mức như sau: Tăng 200.000 đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Được nghỉ việc nếu bị ngược đãi ở nước ngoài
Từ ngày 1-1-2022, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chính thức có hiệu lực. Luật mới có nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam ở xứ người, điển hình là quy định cho phép người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Luật cũng quy định người đi xuất khẩu lao động không phải đóng BHXH hoặc thuế thu nhập cá nhân 2 lần ở Việt Nam và ở nước đến làm việc, nếu hai nước đã ký hiệp định về BHXH hoặc hiệp định tránh đánh thuế 2 lần. Đáng chú ý, luật nghiêm cấm việc thu tiền môi giới đi xuất khẩu lao động của người lao động.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/nhieu-chinh-sach-moi-nam-2022-20211230174811424.htm