Nhiều chính sách ưu đãi với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Với mục tiêu có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa vào năm 2030, các chính sách ưu đãi để phát triển nhóm doanh nghiệp này cũng đang dần được xây dựng và thực thi, bước đầu đem lại một hiệu ứng lan tỏa tích cực.

Ảnh minh họa. Ảnh internet.

Ảnh minh họa. Ảnh internet.

Trong tháng 3 vừa qua, liên tục các thông điệp từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước về chú trọng phát triển kinh tế tư nhân được lan tỏa. Nổi bật nhất là bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm với tiêu đề: Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng.

Nằm trong các thông điệp đó, kinh tế tư nhân nói chung, và nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được nhấn mạnh vai trò một cách tích cực trong tiến trình phát triển các mục tiêu kinh tế của nước ta.

Quan trọng hơn, không chỉ dừng lại ở những thông điệp, rất nhiều chính sách ưu đãi cụ thể cũng đã được chỉ đạo xây dựng, triển khai một cách thiết thực. Đặc biệt là Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo chỉ đạo mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ, nhiều giải pháp thiết thực đang được cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ và vừa mong đợi.

Tiêu biểu như, ngay trong năm 2025, sẽ có ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính được cắt giảm. Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu phải giảm tối thiểu 30% chi phí tuân thủ; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; chuyển mạnh quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Đẩy mạnh hoạt động cho vay của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo kênh huy động vốn với chi phí hợp lý. Thực hiện triệt để việc đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ hỗ trợ ưu đãi thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp; nghiên cứu áp dụng phương thức hậu kiểm để doanh nghiệp nhỏ và vừa không bị ảnh hưởng về dòng tiền và hoạt động kinh doanh.

Trong tháng 4 này, cụ thể là ngày 20/4, Thông tư số 09/2025/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025” ban hành kèm theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 8/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ sẽ chính thức có hiệu lực.

Theo đó, các hoạt động phát triển hệ sinh thái hỗ trợ kinh doanh bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực tư nhân thực hiện kinh doanh bền vững sẽ được triển khai. Thông tư đã nêu rõ nội dung chi gồm: xây dựng tài liệu về kinh doanh bền vững, gồm: bộ công cụ đánh giá mô hình kinh doanh bền vững; các ấn phẩm báo chí, xuất bản; các tài liệu, ấn phẩm dưới dạng các tác phẩm văn học nghệ thuật; tài liệu, ấn phẩm dưới dạng chương trình truyền hình.

Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và thực tiễn tốt về kinh doanh bền vững và các mô hình kinh doanh bền vững; tập huấn, hướng dẫn, phổ biến các tài liệu; kết nối doanh nghiệp bền vững với các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư, kết nối các tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp thành công điển hình trong nước và quốc tế. Tổ chức khóa bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác hỗ trợ, quản lý về kinh doanh bền vững. Xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bền vững…

Từng bước, những khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang được quan tâm tháo gỡ, cùng với đó, các chính sách ưu đãi cũng được triển khai một cách tích cực hơn. Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kêu gọi mạnh mẽ các doanh nhân, doanh nghiệp cả nước hãy tận dụng cơ hội lịch sử này để cùng nhau liên doanh, liên kết, không ngừng phát triển, vươn mình cùng với dân tộc; đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết nhiều việc làm, tham gia thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đóng thuế đúng - đủ, và quan trọng nhất là làm giàu chính đáng, đúng pháp luật.

Minh Đức

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nhieu-chinh-sach-uu-dai-voi-doanh-nghiep-nho-va-vua.html