Nhiều chủ nhà tại TP HCM thà bỏ khách còn hơn giữ giá thuê cũ?
Dù tình trạng mặt bằng tại TP HCM bỏ trống ngày càng nhiều nhưng chủ cho thuê vẫn nhất quyết tăng giá…
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, dọc các tuyến đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi (quận 1), Hai Bà Trưng (quận 1, quận 3), Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), Nguyễn Trãi (quận 5), Ba tháng hai (quận 10)… có khá nhiều mặt bằng cho thuê bị đóng cửa.
Trên tuyến đường Lê Lợi (quận 1) dài khoảng 550 m, một trong những tuyến đường đẹp nhất nhì khu trung tâm TP HCM, giao cắt với những tuyến đường "dát vàng" như Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Huệ đang có hơn 10 mặt bằng bỏ trống.
Đường Nguyễn Trãi (quận 5), mệnh danh là "phố thời trang" của TP HCM, với hàng trăm cửa hiệu kinh doanh các mặt hàng mắt kinh, giày dép, quần áo, túi xách, nón... Tuy nhiên, dù sát Tết nhưng tình trạng treo bảng thanh lý sản phẩm và sang nhượng cửa hàng vẫn tiếp tục diễn ra...
Ông Nguyễn Tất Thịnh, nhà sáng lập nền tảng bất động sản công nghệ HouseZy.vn, cho biết tình trạng mặt bằng ế ẩm tại TP HCM đã diễn ra nhiều năm nay, mạnh mẽ nhất là sau đại dịch COVID-19 do kinh doanh online lên ngôi, thói quen tiêu dùng, mua sắm của người tiêu dùng cũng thay đổi mạnh mẽ, dẫn đến những tuyến đường vốn dĩ rất "hot" trước đây trở nên ế ẩm.
Cùng với đó, chủ nhà tăng giá thuê theo giá trị mặt bằng, bất chấp các cửa hàng, nhất là chuỗi đang có chiến lược tiết giảm chi phí dẫn đến tình trạng mặt bằng ế ẩm là điều dễ hiểu.
"Những chủ mặt bằng đẹp tại các quận trung tâm quận 1, quận 3, quận 5...l à người có tài chính tốt nên họ cứ tăng giá, hơn nữa là họ biết rằng khi ai thuê mặt bằng đó không chỉ kinh doanh mà còn làm marketing thương hiệu, điển hình như mặt bằng Starbucks Hàn Thuyên (quận 1), nơi đang rất nhiều thương hiệu nổi tiếng đang muốn thuê lại dù giá đã tăng gần chục ngàn USD so với thời điểm ban đầu. Đối với những mặt bằng có giá trị như vậy, chủ nhà chỉ đồng ý với người chấp nhận giá họ đưa ra, nếu không thì không thể hợp tác"- ông Thịnh nói.
Còn theo ông Phan Đình Phúc, CEO Seenee, nhiều chủ nhà vẫn quyết tăng giá là do họ tính số tiền từ cho thuê trên giá trị mặt bằng so với tiền lãi ngân hàng đang thấp hơn.
Ngoài ra, chủ nhà thường so sánh giá thuê của mình với các mặt bằng tương tự trong khu vực, nếu thấp hơn sẽ ảnh hưởng đến giá trị mặt bằng họ đang sở hữu.
Đây là những lý do khiến mặt bằng cho thuê bị trả lại ngày càng nhiều nhưng giá cho thuê thì vẫn cứ tăng.
Theo một số môi giới cho thuê mặt bằng tại TP HCM, dù ế ẩm nhưng giá thuê mặt bằng tại đây không hề giảm và khi đàm phán với chủ nhà, họ cũng chỉ "bớt lộc" vài triệu đồng, hoặc giảm 5% trong 1-2 tháng đầu để hỗ trợ người thuê. Thậm chí, nhiều mặt bằng tại quận 1, quận 3, quận 5, quận 10 còn tăng giá 10-15% dù chỉ có tu bổ lại chút đỉnh.
Dữ liệu từ Batdongsan.com.vn cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2024, giá thuê mặt bằng nhà phố TP HCM tiếp tục có xu hướng tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Các khu vực như quận 1, 3, 4 và quận 2 cũ (nay là TP Thủ Đức) đều tăng từ 25-40%.