Nhiều chủ quán ở TP HCM đau đầu với những khách hàng 'tánh kỳ'
Nhiều chủ quán ăn ở TP HCM đau đầu với nạn ăn quỵt, mua xong lén bỏ đi hoặc công khai không trả tiền.
Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều clip về việc một phụ nữ đi làm tóc, đi ăn nhưng sau khi tính tiền thì nói không có tiền và cãi tay đôi với các chủ quán, chủ cửa hàng.
Ăn xong đứng dậy nói không có tiền
Việc ăn quỵt khiến mạng xã hội tranh cãi nảy lửa vì cho rằng việc sử dụng dịch vụ và ăn uống xong nói không có tiền trả là không thể chấp nhận.
Chị Út Mẫn (chủ quán ăn ở quận 11, TP HCM) nói: "Nhiều người ăn xong đứng dậy nói không có tiền trả, thực tình lúc đó cũng rất bực mình nhưng bây giờ rơi vào tình huống đó biết làm sao được. Tô mì mấy chục ngàn đối với nhiều người nó là số tiền nhỏ nhưng với người buôn bán phải chắt mót từng đồng thì nó không nhỏ chút nào. Chẳng lẽ khách vào ăn mình hỏi có tiền không, sao được?".
Tương tự, chị Hạnh (chủ quán bún bò ở khu vực chợ Tân Bình, TP HCM) kể: "Hôm đó tôi dọn ra thì có một phụ nữ đến mua 10 tô bún bò mỗi tô 50.000 đồng. Tưởng trúng mánh, tôi làm vội cho khách. Làm xong tôi còn treo lên xe. Chị ta nói cho thêm một tô đặc biệt để đãi khách. Tôi đang làm thì chị ấy rú ga bỏ chạy. Không biết phải làm sao, coi nhưng ngày hôm đó làm không công".
Việc nhiều người ăn quỵt, mua xong bỏ chạy khiến các chủ quán đau đầu, tuy nhiên một số người vẫn quyết tâm truy đến cùng. Chị Ngọc (chủ quán nhậu ở quận 3) cho biết: "Cả đám vào nhậu hết gần 2 triệu sau đó từng người rời quán. Đến người cuối cùng canh nhân viên không để ý cũng bỏ đi. Tôi trích xuất camera đăng facebook thì ngay hôm đó cho người đến trả cho quán. Làm ăn lời không bao nhiêu, gặp những kẻ như vậy phải có cách trị".
Bà chủ heo quay Kim Mai cho biết do trước đây từng có người đặt heo quay kêu giao đến nhà. Đến nơi shipper đưa hàng thì nói "chờ một chút" vào nhà lấy tiền rồi xách hàng đi mất hút. "Từ đó, tôi không bao giờ giao hàng nếu khách không chuyển tiền trước. Ở tiệm heo quay của tôi khách mua phải chuyển tiền trước, địa chỉ rõ ràng tôi mới giao hàng, thà mất lòng trước được lòng sau" - bà Kim Mai chia sẻ.
Có thể xử lý hình sự
Về vấn đề này, luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ phân tích: Việc đi ăn nhà hàng nhưng không trả tiền rõ ràng là không phù hợp với tập tục của người Việt, trái pháp luật, xâm phạm đến quyền sở hữu của người cung cấp dịch vụ. Tùy vào tính chất vi phạm, người không trả tiền có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.
Theo luật sư Toàn, trường hợp nếu xử phạt hành chính, chủ quán có thể thỏa thuận với người ăn thanh toán tiền trước khi rời đi hoặc thỏa thuận giữ tài sản có giá trị tương đương số tiền nợ để bảo đảm người này quay lại trả nợ.
"Nếu cần thiết, chủ quán có thể báo với cơ quan công an đến lập biên bản xem xét xử lý về gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác theo quy định tại điểm c, khoản 1 điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình với mức phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
Trong khoảng thời gian chờ cơ quan công an đến xử lý vụ việc thì hành động này không có dấu hiệu giữ người trái pháp luật", người vi phạm có thể bị xử lý hình sự vì hành vi mua hàng nhưng cố tình không trả tiền" - luật sư Toàn thông tin.
Cụ thể, căn cứ quy định tại điều 175 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo đó người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm. Đồng thời người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ nói thêm trong trường hợp khách hàng quỵt tiền mà có giấy xác nhận tâm thần hay nói cách khác là giấy tờ chứng minh là người bị mất năng lực hành vi dân sự thì vụ việc có thể được xử lý theo cách khác,cụ thể theo điều 22, Bộ Luật Hình sự 2015: Người mất năng lực hành vi dân sự là người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Và tại điều 586 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại thuộc về người giám hộ (nếu có). Người giám hộ ở đây có thể là người thân hoặc một người khác tùy vào giấy tờ hồ sơ nhân thân của người được cho là mắc bệnh tâm thần.
Theo đó, người giám hộ có trách nhiệm dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình. Nếu người giám hộ không muốn lấy tài sản của mình ra để bồi thường thì phải chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ.
Do vậy, tùy thuộc vào kết luận điều tra, nếu đúng khách hàng mắc bệnh tâm thần thì người giám hộ có thể phải tri trả bồi thường thiệt hại cho nhà hàng.