Nhiều chung cư ở Hà Nội nguy cơ cháy nổ rất đáng lo ngại
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho biết, qua khảo sát các khu chung cư tại Hà Nội rất đáng lo ngại, nếu có cháy nổ là thảm họa, không cứu được. Mấy chục nghìn người ở trong khu đất rất hẹp, cũng có thang thoát hiểm nhưng lượng người đông, dồn nhau vào sẽ xảy ra dẫm đạp, hậu quả thảm khốc sẽ xảy ra...
Chiều 20/10, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) đã chủ trì Phiên họp toàn thể lần thứ 9 để thẩm tra Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 99 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy và chữa cháy năm 2023.
62,6% nguyên nhân cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện
Theo báo cáo do Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) Bộ Công an trình bày, từ 1/10/2022 đến 30/9/2023, toàn quốc xảy ra 1.938 vụ cháy, làm chết 144 người, bị thương 113 người, thiệt hại tài sản ước tính 315.440 triệu đồng và 306 ha rừng. So với năm 2022, tăng 190 vụ cháy, 33 người chết và 34 người bị thương.
Địa bàn thành thị xảy ra 59,2% vụ cháy, còn lại là nông thôn. Cháy tại nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp kinh doanh vẫn diễn biến phức tạp, chiếm 42%; cháy phương tiện giao thông chiếm 12,3%; cháy rừng 7,3%. Đã điều tra làm rõ nguyên nhân 1185 vụ cháy, trong đó, 62,6% do sự cố hệ thống, thiết bị điện; 17% do bất cẩn sử dụng nguồn lừa, nguồn nhiệt; do sự cố kỹ thuật 1,9%...
Qua thẩm tra, UBQPAN cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo, khẳng định năm 2023 Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 99, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đến PCCC; tập trung xây dựng, kiện toàn lực lượng PCCC tại chỗ; chỉ đạo các địa phương xử lý, khắc phục các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm...
Năm 2023, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tổ chức kiểm tra an toàn PCCC đối với trên 510.000 lượt cơ sở; phát hiện gần 250.000 tồn tại, thiếu sót về PCCC; đã lập biên bản vi phạm hành chính hàng chục ngàn trường hợp, xử phạt hành chính 8.981 trường hợp vi phạm hành chính về PCCC; tạm đình chỉ hoạt động 3.978 trường hợp; đình chỉ hoạt động 3.029 trường hợp vi phạm.
"Sau sự kiện cháy "chung cư mi ni" tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổ chức tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC tại các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao để đánh giá thực trạng và xác định giải pháp khắc phục, hạn chế nguy cơ xảy ra các vụ việc tương tự", Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực UBQPAN nêu rõ.
UBQPAN đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung, làm rõ và đánh giá sâu hơn về những nội dung mới và kết quả thực hiện một số nhiệm vụ trong năm 2023; sớm xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật PCCC&CNCH trong năm 2024; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, triệt để các nhiệm vụ đã đặt ra trong Nghị quyết số 99 và Quyết định 630 của Thủ tướng Chính phủ...
Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư sửa đổi Quy chuẩn 06
Tại phiên họp, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho rằng, báo cáo nêu nguyên nhân tình hình cháy nổ thời gian vừa qua nhưng hơi mờ nhạt về trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền địa phương trong công tác PCCC. Lực lượng PCCC là lực lượng chủ công, nòng cốt, còn công tác PCCC là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị.
"Những việc như vụ cháy Khương Hạ là hệ quả tất yếu xảy ra, chỉ ngày một ngày hai, thời gian nào thôi. Qua khảo sát các khu chung cư tại Hà Nội rất đáng lo ngại, như chung cư HH, nếu có cháy nổ là thảm họa, không cứu được. Mấy chục nghìn người ở trong khu đất rất hẹp, bình thường thôi người dân sáng đi làm hay chiều đi về đã tắc thang máy rồi, nếu xảy ra cháy thì thoát đường nào? Cũng có thang thoát hiểm nhưng lượng người đông, dồn nhau vào đấy sẽ xảy ra dẫm đạp, hậu quả thảm khốc sẽ xảy ra, chúng ta có biện pháp xử lý không? Chính quyền có biện pháp gì, hay có giảm tải dân số được không? Đây là khu khả năng cháy nổ rất cao, cần làm rõ trách nhiệm chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu", Phó Trưởng Ban Dân nguyện thẳng thắn nêu.
Ổng cũng cho rằng, nguyên nhân cháy nổ do chập cháy điện rất nhiều, có những khu vực chiếm 80%. "Đầu tiên, chất lượng các thiết bị điện có vấn đề, thiết bị rởm, không đủ tiêu chuẩn, dùng một thời gian thì chập điện, cháy nổ. Vậy, vai trò của lực lượng quản lý thị trường, các cơ quan quản lý chất lượng hàng nhập khẩu, chất lượng sản xuất đối với thiết bị điện như thế nào? Cần chặt chẽ, có tiêu chuẩn rõ ràng, có kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm minh", đại biểu nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Viết Sơn, Phó Cục trưởng Cục Giám định, Bộ Xây Dựng, Bộ này vừa ký ban hành Thông tư sửa đổi Quy chuẩn 06/2022, trong đó, rà soát, sửa đổi những nội dung có tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc. Về nội dung liên quan nhà ở kết hợp kinh doanh hoặc nhà ở dưới 7 tầng đang đưa sang dự thảo tiêu chuẩn đối với nhà ở riêng lẻ. Bên cạnh đó, phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong thực hiện quy chuẩn cho phù hợp đặc thù từng địa phương.
"Về nội dung liên quan kỹ thuật như thang thoát nạn, hệ thống ngăn cháy, chữa cháy và kết cấu bảo vệ chống khói đang được rà soát. Thời gian tới, Bộ Xây dựng dự kiến ban hành các tài liệu hướng dẫn thực hiện Quy chuẩn 06 cho các cơ quan quản lý địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu dễ hiểu, vận dụng đúng tinh thần quy định trong Quy chuẩn 06", ông khẳng định.
Phát biểu kết luận, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm UBQPAN đề nghị Chính phủ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành rà soát, bổ sung, cập nhật thông tin vào báo cáo cho phù hợp; Thường trực UBQPAN sẽ tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên họp để hoàn thiện báo cáo thẩm tra theo quy định.
Phiên họp toàn thể lần thứ 9 UBQPAN đã bế mạc chiều cùng ngày.