Nhiều 'chuyến bay giải cứu' không thông qua Tổ công tác các 4 Bộ/5 Bộ
Một số cá nhân thuộc Vụ Quan hệ Quốc tế đã đề xuất, trình ký duyệt nhưng không thông qua Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ được Chính phủ giao phối hợp tổ chức các chuyến bay.
Theo thống kê, trong đợt dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, các cơ quan chức năng đã cấp phép và tổ chức trên 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 người dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chưa có sự nhất quán, không rõ ràng về thẩm quyền, khiến cho các cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để tác động, đề xuất giải quyết thủ tục cấp phép nhiều chuyến bay, qua đó nhận hối lộ của một số doanh nghiệp.
Hồ sơ vụ án “chuyến bay giải cứu” thể hiện, sau khi tiếp nhận hồ sơ giải quyết chuyến bay của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ giao Vụ Quan hệ Quốc tế, là đơn vị chủ trì tập hợp, tham mưu, đề xuất.
Với vai trò là Vụ trưởng, Nguyễn Thanh Hải đã trực tiếp chỉ đạo, phân công cho các chuyên viên tiếp nhận hồ sơ, tham mưu, đề xuất, sau đó duyệt và trình lãnh đạo Văn phòng Chính phủ ký, để trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt.
Nhiều hồ sơ được thực hiện theo cách thức trên, trong khi chưa có ý kiến của Tổ công tác 4 Bộ/ 5 Bộ, ngành được Chính phủ giao phối hợp tổ chức các chuyến bay (Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, sau đó, bổ sung Bộ Công an).
Do Nguyễn Tiến Thân (chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế) là thành viên Tổ phòng chống dịch Covid-19 thuộc Văn phòng Chính phủ, nên hầu hết hồ sơ các doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay, Nguyễn Thanh Hải giao cho Thân là đầu mối chính.
Theo hướng dẫn của Thân, từ tháng 10/2020 đến tháng 4/2021, Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng (đại diện Công ty Bluesky) đã nhiều lần gửi hồ sơ xin chủ trương đưa công dân về nước và được Hải, Thân tiếp nhận, đề xuất phê duyệt chủ trương thực hiện 43 chuyến bay.
Quá trình thực hiện, Sơn và Hằng 4 lần đưa 3,2 tỷ đồng cho Thân và Hải. Trong số này, Hải hưởng 1,9 tỷ đồng; còn Thân hưởng 1,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhóm này cũng giúp Công ty Lữ Hành Việt được duyệt cấp phép thực hiện 18 chuyến bay đưa công dân về nước, Thân nhận từ Hoàng Anh Kiếm, đại diện công ty, số tiền 200 triệu đồng và 10.000 USD; nhận từ bà Phan Thị Mai, Giám đốc Công ty Sao Hà Nội 10 triệu đồng và từ Công ty ATA 50 triệu đồng.
Một cá nhân nữa tại Vụ Quan hệ Quốc tế là Nguyễn Mai Anh, cũng bị cáo buộc 3 lần nhận 3 tỷ đồng từ Nguyễn Thị Tường Vy, Giám đốc Công ty ATA và Công ty Investco (do Vy mượn pháp nhân).
Theo đó, Mai Anh đã thỏa thuận chi phí 500 triệu đồng/ chuyến bay, để trình Nguyễn Thanh Hải duyệt và trình cấp trên, sau đó đã có 12 chuyến bay được thông qua. Những chuyến bay này tiếp tục không có sự thẩm định của Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ.
Số tiền nhận được, Mai Anh hưởng lợi 2,850 tỷ đồng, chia cho Nguyễn Tiến Thân 50 triệu đồng và Nguyễn Quang Linh 100 triệu đồng. Quá trình điều tra, Mai Anh cũng đã nộp lại 2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.