Nhiều chuyển biến tích cực trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Lấp Vò triển khai nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Huyện Lấp Vò đã và đang tập trung phát triển các mô hình sản xuất khoai môn theo hướng sạch nhằm đảm bảo đầu ra bền vững

Huyện Lấp Vò đã và đang tập trung phát triển các mô hình sản xuất khoai môn theo hướng sạch nhằm đảm bảo đầu ra bền vững

Theo UBND huyện Lấp Vò, thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng chủ động triển khai, quán triệt và cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là cụ thể hóa các kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng hoạt động kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giúp chủ động trong sản xuất, giải quyết tình trạng thiếu công lao động trong nông nghiệp hiện nay, góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản, đáp ứng nhu cầu của thị trường, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu.

Toàn huyện Lấp Vò có diện tích liên kết tiêu thụ lúa tăng hơn so với chỉ tiêu kế hoạch. Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, mỗi năm, diện tích liên kết tiêu thụ lúa tăng trên 10%. Tính riêng năm 2022 là 4.240ha, tăng 390ha so với năm 2021. Bên cạnh cây lúa, nghề trồng hoa kiểng những năm gần đây trở thành cây trồng trọng điểm của địa phương. Từ năm 2021 đến nay, huyện hình thành một số vùng sản xuất hoa kiểng như: xã Tân Khánh Trung với diện tích 175ha; vùng hoa kiểng tập trung xã Long Hưng A 101ha; xã Long Hưng B 22ha; xã Tân Mỹ 20ha. Đến cuối năm 2022, diện tích trồng hoa kiểng ở 4 xã: Tân Khánh Trung, Long Hưng A, Long Hưng B, Tân Mỹ là 313ha, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Huyện cũng tập trung phát triển vùng sản xuất màu trọng điểm. Đến cuối năm 2022, huyện có 108ha khoai môn được chứng nhận VietGAP, đạt 43% chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Đến nay, huyện tập trung triển khai xây dựng đô thị loại IV. Trong đó, tập trung xây dựng hệ thống cây xanh khu vực đô thị, các tuyến đường đô thị, tuyến dân cư, trụ sở các cơ quan nhà nước... Về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường đô thị, trường học, chợ, khu liên hợp văn hóa thể thao, với tổng vốn đầu tư 160,9 tỷ đồng, thực hiện 15 dự án, công trình. Đối với những xã xây dựng đô thị loại V như: Vĩnh Thạnh, Định Yên, Mỹ An Hưng B... huyện tập trung thực hiện đầu tư hạ tầng các tuyến đường nội bộ và xây dựng vỉa hè dọc theo các tuyến đường kết hợp với các công trình xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng và tạo vẻ mỹ quan của khu vực trung tâm xã.

Về xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Lấp Vò tự đánh giá đạt 7/9 tiêu chí (34/36 chỉ tiêu). Kết quả này là quá trình phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể Nhân dân huyện nhà. Đến nay, kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn huyện không ngừng phát triển, được nâng cấp, cứng hóa, hệ thống đèn chiếu sáng, cổng, ngõ được xây dựng, cảnh quan môi trường, bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp hơn; hệ thống thủy lợi được nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng được huyện Lấp Vò đề ra là phát triển du lịch gắn với tài nguyên bản địa, nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong đó, tập trung quảng bá, xúc tiến mở rộng các tour, tuyến du lịch kết nối với các trung tâm, các vùng sản xuất sản phẩm OCOP; hỗ trợ các xã, thị trấn hoàn thiện, nâng chất lượng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời gắn du lịch nông nghiệp với phát triển du lịch cộng đồng và khai thác các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống, quà lưu niệm, đặc sản địa phương nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.

Để thực hiện đạt các chỉ tiêu đề ra đến năm 2025, ông Đặng Hữu Tâm – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lấp Vò cho biết: “Thời gian tới, địa phương sẽ triển khai nhiều giải pháp trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ công trực tuyến một phần và trực tuyến toàn trình (mức 3,4), từng bước tiến tới xây dựng chính quyền điện tử; tập trung duy trì và nâng chất các tiêu chí đã đạt, chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đạt nhưng ở ngưỡng còn thấp. Cùng với đó, tranh thủ các nguồn vốn của đô thị, vốn tỉnh, huyện, các nguồn vốn hợp pháp khác để chỉnh trang đô thị, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội quan trọng, cấp thiết”.

Huyện Lấp Vò tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân tăng diện tích lúa chất lượng cao, sản xuất hoa màu, cây ăn trái theo hướng an toàn và liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp; mở rộng diện tích hoa kiểng gắn với phát triển du lịch, diện tích nuôi thủy sản ở những vùng có điều kiện phù hợp, kết nối sản xuất với thị trường, doanh nghiệp; đăng ký mã vùng trồng, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa...

NHẬT NAM

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/nhieu-chuyen-bien-tich-cuc-trong-chi-tieu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-114822.aspx