Nhiều chuyển biến tích cực trong gỡ 'thẻ vàng' IUU

Quyết tâm cao cùng nỗ lực liên tục với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp của Việt Nam đã mang lại những kết quả ngày càng tích cực, tạo chuyển biến đáng ghi nhận trong việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).

Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trong việc gỡ “thẻ vàng” IUU2

Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trong việc gỡ “thẻ vàng” IUU2

Những kết quả được ghi nhận, đánh giá cao

Theo thông tin mới nhất, Ủy ban châu Âu (EC) có thể sẽ lùi thời gian sang Việt Nam kiểm tra đánh bắt, khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) lần thứ 5 vào tháng 9 hoặc tháng 10-2024, thay vì tháng 5-2024 như lịch trước đây. EC muốn chờ kết quả Việt Nam triển khai Nghị định 37 và 38/NĐ-CP (ban hành vào tháng 4-2024), về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, từ đó mới có thể gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU.

Thời gian qua, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực và đạt được những chuyển biến tích cực trong việc gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU của EC và điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển bền vững ngành thủy sản của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tính đến ngày 21-5 vừa qua, Việt Nam đã có 98,25% tổng số tàu cá từ 15m trở lên được trang bị hệ thống giám sát hành trình (VMS) và đang sớm hướng tới việc hoàn thành 100%. Các khuyến nghị của EC về thực hiện kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng (PSMA), cắt giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác… đều đã có sự cải thiện tốt hơn.

Tại các địa phương có biển trên cả nước, nhờ sự tích cực trong kiểm tra, rà soát tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép) và tổ chức cho đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác khi đảm bảo điều kiện theo quy định; mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát… nên số tàu, thuyền đăng ký, đăng kiểm, gắn thiết bị liên lạc… tăng lên. Bên cạnh đó, không chỉ các chủ tàu tích cực thực thi các quy định nhằm bảo đảm hoạt động khai thác trên biển đúng quy định pháp luật mà mỗi ngư dân cũng đã hiểu rõ về tầm quan trọng của chống khai thác IUU.

Tại Bình Định, một trong những địa phương trọng điểm trong lần kiểm tra tới đây của EC, đã có những chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh gỡ “thẻ vàng” IUU. Nếu đến tháng 9-2023, cả tỉnh mới có 5.360 tàu cá đăng ký các thiết bị giám sát hành trình và có tới 455 tàu cá thường xuyên hoạt động ở các tỉnh phía Nam, hàng năm không về địa phương, thì tới nay 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên của tỉnh tham gia hoạt động khai thác hải sản được trang bị thiết bị VMS theo quy định.

Tại Kiên Giang, 100% tàu cá của ngư dân từ 15m trở lên cập cảng chỉ định tại 2 cảng cá Tắc Cậu và An Thới, được giám sát và truy xuất nguồn gốc 100% sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng. Ở Thanh Hóa, đến nay 156 tàu mất kết nối giám sát hành trình đã được chủ tàu khôi phục kết nối, kịp thời nhận các cảnh báo khi tiếp cận vùng biển không được phép đánh bắt….

Những kết quả tích cực trong nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU của Việt Nam đã được ghi nhận, đánh giá cao. Trả lời báo chí Việt Nam tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 25-6, chuyên gia Christian Vidal-Léon, từng là luật sư giải quyết tranh chấp tại bộ phận các vấn đề pháp lý và Ban thư ký Cơ quan phúc thẩm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho rằng, từ năm 2027 đến nay, Việt Nam đã có những nỗ lực phù hợp để ngăn chặn hoạt động IUU, đồng thời nỗ lực đàm phán, thảo luận để sớm gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Nhận định về việc EC tới nay chưa gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” IUU đối với Việt Nam, ông Christian Vidal-Léon cho rằng, EC có thể đang chờ đợi kết quả Việt Nam thực thi các văn bản pháp lý trên trước khi đưa ra quyết định.

Tiếp tục hành động quyết liệt, mạnh mẽ

Có thể thấy, những chuyển biến tích cực trong chống IUU mà Việt Nam đạt được là thành quả của quyết tâm, nỗ lực cả về xây dựng luật pháp cũng như nỗ lực liên tục thực thi trên thực tế kể từ tháng 10-2017, ngay sau khi EC áp đặt “thẻ vàng” cảnh cáo với thủy sản Việt Nam vì không tuân thủ IUU. Do bị “thẻ vàng” IUU, 100% hàng thủy hải sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đều bị kiểm soát, thay vì kiểm tra theo xác suất và điều này khiến mặt hàng xuất khẩu quan trọng này của Việt Nam mất nhiều thời gian hơn để vào thị trường EU và doanh nghiệp nước ta mất nhiều chi phí phát sinh hơn.

Suốt gần 7 năm qua, Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về khai thác thủy sản, giám sát đội tàu; truy xuất nguồn gốc thủy sản. Sự cải thiện này cũng được EC ghi nhận qua 4 lần thanh tra. Sự khẩn trương và quyết liệt hoàn thiện thể chế ngày càng rõ nét chuẩn bị cho lần kiểm tra thứ 5 tới của EC tại nước ta.

Việt Nam đến nay đã ban hành rất nhiều văn bản luật pháp về chống khai thác IUU, từ sửa đổi Luật Thủy sản 2017 tới hàng loạt quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định IUU. Chỉ thị số 45/CT-TTG ngày

13-12-2017 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU; Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 6-7-2018 của Chính phủ về việc gia nhập Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống IUU... Đặc biệt, mới đây nhất là Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10-4-2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản đã khẳng định cam kết, quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc hoàn thiện hệ thống thể chế sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Có thể khẳng định, chống khai thác IUU đã có sự chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại được cho rằng nằm ở việc thực thi của các địa phương.

Nhằm quyết liệt hơn trong nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành có liên quan khác như: Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… đều vào cuộc ở tất cả cấp độ để chuẩn bị đón Đoàn thanh tra EC. Đồng thời, coi đây là lần cuối với mong muốn chứng minh được sự cải thiện của Việt Nam qua những điều mà Ủy ban đã khuyến cáo. Trong cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo chống IUU với 28 tỉnh, thành phố ven biển, diễn ra tại Trụ sở Chính phủ chiều 17-6 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu, các địa phương cần sẵn sàng triển khai Nghị quyết số 04 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, có hiệu lực từ ngày

1-8-2024, nhằm xử lý nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng thủy sản. Đây được xem là biện pháp rất quyết liệt cho thấy nỗ lực cao của Việt Nam trong thực thi. Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong suốt gần 7 năm qua, Việt Nam tự tin đã và đang đi đúng hướng bởi “thẻ vàng” IUU không chỉ là vấn đề của ngành thủy sản mà là uy tín, vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhieu-chuyen-bien-tich-cuc-trong-go-the-vang-iuu-post580817.antd