Lao động nông thôn qua xuất khẩu lao động

Lao động có thời hạn ở nước ngoài đang được các địa phương triển khai thực hiện với sự hỗ trợ từ các chính sách vay vốn cho người lao động... Qua đó, đã tạo điều kiện cho nhiều lao động nông thôn tham gia xuất khẩu lao động; góp phần cải thiện thu nhập cho gia đình của người dân nông thôn.

Vợ chồng anh Thạch Thành Đạt bên căn nhà được sửa chữa khang trang bằng nguồn tiền do người con đi xuất khẩu lao động gửi về.

Vợ chồng anh Thạch Thành Đạt bên căn nhà được sửa chữa khang trang bằng nguồn tiền do người con đi xuất khẩu lao động gửi về.

Có thể nói việc xuất khẩu lao động là cơ hội để người lao động nâng cao kiến thức, cải thiện kỹ năng nghề; đồng thời, đây cũng là “bước đệm” sau thời gian để người lao động khi trở về địa phương phát huy nguồn lực đã tích lũy để đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống…

Theo đồng chí Lê Hoàng Lam, Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cầu Kè: trong 06 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện đã có 114 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, đạt 103,64% so chỉ tiêu kế hoạch năm. Bình quân thu nhập của các lao động tiết kiệm gửi về cho gia đình từ 20 - 25 triệu đồng/tháng/lao động; đây là nguồn thu nhập khá cao của người lao động so với mặt bằng chung của địa phương.

Thực hiện hỗ trợ vốn vay cho hộ có người tham gia đi xuất khẩu lao động, trong năm 2023, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cầu Kè, đã giải ngân cho 84 lao động vay với số tiền 8,69 tỷ đồng và 06 tháng đầu năm 2024, có 49 lao động vay số tiền 3,625 tỷ đồng.

Các địa phương ở huyện Cầu Kè có số người đi xuất khẩu lao động nhiều là xã Phong Thạnh, với 18 người (kế hoạch 10 lao động/năm) đang lao động tại nước ngoài và 12 lao động đang học tại các trung tâm trong và ngoài tỉnh. Xã Phong Phú có 32 người đang lao động có thời hạn ở nước ngoài; trong đó, trên 65% là lao động đồng bào Khmer…

Anh Sơn Sáu, ngụ Ấp 1, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè chia sẻ: gia đình thuộc diện hộ mới thoát nghèo; được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ cho vay 85 triệu đồng cùng với số vốn tiết kiệm của gia đình đã hỗ trợ cho cháu Sơn Thắng tham gia đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản vào cuối năm 2023. Qua hơn 06 tháng đi xuất khẩu lao động, cháu Thắng cũng có thu nhập ổn định và gửi tiền về cho gia đình khoảng 20 triệu đồng/tháng. Gia đình cũng cố gắng dành dụm số tiền trên đã tích lũy cho cháu và sửa chữa lại căn nhà cho khang trang.

Anh Thạch Thành Đạt, ngụ Ấp II, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè cho biết: lúc đầu gia đình cũng khá lo lắng cho cháu (Thạch Thị Hoa Ri) không biết ở nước ngoài, xa nhà, công việc như thế nào. Sau khi cháu Ri đến Nhật Bản (tháng 10/2023) và cháu điện thoại về gia đình cũng khá thường xuyên (02 - 03 lần/tháng) và thông tin cho biết về công việc là thu hoạch nông sản; thời gian làm việc khoảng 10 tiếng/ngày. Hàng tháng, cháu đã gửi về gia đình từ 20 - 25 triệu đồng; ngoài thời gian đi làm, cháu cũng đang theo lớp học nâng cao tiếng Nhật để về giảng dạy lại trong các Trung tâm.

Cũng theo anh Thạch Thành Đạt, khi biết gia đình có con đi xuất khẩu lao động, nhiều gia đình ở trong và ngoài ấp cũng đến hỏi thăm, tìm hiểu thông tin để các gia đình an tâm khi cho con, cháu xuất khẩu lao động.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Cầu Ngang, công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cũng nhận được sự quan tâm tích cực từ các gia đình nông thôn. Đến cuối tháng 5/2024, huyện Cầu Ngang đã có 189 lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài, đạt 160% chỉ tiêu năm 2024.

Đồng chí Hà Trọng Nghĩa, Phó Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cầu Ngang cho biết: thực hiện Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND, ngày 09/11/2020 của HĐND tỉnh Trà Vinh: quy định về chính sách hỗ trợ người lao động, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đi làm việc, học tập ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021 - 2025; huyện đã tiếp nhận và triển khai hỗ trợ cho 30 lao động.

Theo đồng chí Dương Huy Phong, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Trà Vinh: thực hiện chương trình hỗ trợ vay với khách hàng đi xuất khẩu lao động đến cuối năm 2023 đạt 87 tỷ đồng/939 lao động (tổng dư nợ trên 101 tỷ đồng/1.563 lao động vay vốn).

Bên cạnh vay vốn, người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài còn được tỉnh hỗ trợ không hoàn lại, như hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và các chi phí khác… tối đa khoảng 17 triệu đồng/lao động (tùy theo nhóm đối tượng). Hiệu quả kinh tế từ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đạt thu nhập từ lương khoảng 300 triệu đồng/năm.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/lao-dong-nong-thon-qua-xuat-khau-lao-dong-38184.html