Nhiều chuyển biến trong hoạt động tiếp xúc cử tri
Trong hai tháng 6 và 7, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội tại 30 tổ đại biểu đã liên tiếp có các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ chín, HĐND thành phố khóa 15. Tại các đợt tiếp xúc này, HĐND tiếp tục có nhiều đổi mới khi rút gọn thời gian đọc báo cáo, dành nhiều thời gian hơn để cử tri có thể gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, cũng như những kiến nghị của mình với các vị đại biểu dân cử. Và thay vì chỉ ghi nhận, tiếp thu, các cuộc tiếp xúc cử tri đã có sự tham gia của lãnh đạo địa phương, các sở, ngành để giải trình, làm rõ các vấn đề cử tri kiến nghị. Đối với những vấn đề cần có thời gian nghiên cứu, hoặc do thời gian không cho phép, các cơ quan chức năng đã được HĐND yêu cầu trả lời bằng văn bản với lộ trình rõ ràng.
Trước kỳ họp thứ chín, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã tổng hợp được 255 ý kiến, kiến nghị cụ thể của cử tri để chuyển sang UBND thành phố giải quyết theo thẩm quyền. Đáng chú ý, 15 vấn đề được nhiều cử tri quan tâm đã được HĐND thành phố đôn đốc, yêu cầu UBND thành phố trả lời ngay sau kỳ họp thứ chín để thông báo kịp thời tới người dân. Trong đó có nhiều nội dung thời sự như: bảo vệ đàn lợn và các hộ chăn nuôi trước ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; chính sách dành cho người có công; tiến độ thi công các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn bị chậm… đã được UBND thành phố trả lời.
Một cử tri phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân nhận xét: Qua theo dõi các kỳ tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thành phố gần đây, tôi nhận thấy thời gian đọc báo cáo kết quả kỳ họp đã được cắt giảm. Các trả lời kiến nghị cử tri đã được lựa chọn, đi trực tiếp vào nội dung người dân sinh sống trên địa bàn quận quan tâm. Không chỉ lắng nghe phản ánh, kiến nghị của cử tri, trên cơ sở đó, HĐND thành phố đã có những tiếp thu, điều chỉnh một số chính sách phù hợp thực tiễn.
Đại biểu Lê Thị Thu Hằng, tổ đại biểu quận Hà Đông đánh giá: Xuất phát từ ý kiến, kiến nghị của người dân, một số chính sách đã được HĐND thành phố điều chỉnh kịp thời, được cử tri ghi nhận như mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách ở cơ sở; chính sách cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo; chính sách ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Trên thực tế, bên cạnh việc đổi mới hình thức, các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND thành phố Hà Nội tiếp tục đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực. Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề về quản lý, sử dụng nhà chung cư. Các tổ đại biểu cũng tổ chức các cuộc tiếp xúc chuyên đề về công tác quản lý chợ, bảo vệ môi trường, nắm bắt hoạt động của học sinh, sinh viên...
Bên cạnh những đổi mới đáng ghi nhận, một số cử tri đề nghị HĐND thành phố cần tổ chức nhiều hơn các cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề theo giới, theo lĩnh vực và ngành nghề để các đại biểu có thể nắm bắt sâu hơn những vấn đề của thực tiễn. Đồng thời, cần bố trí thời gian tiếp xúc cử tri hợp lý hơn bởi tại nhiều đơn vị, thời gian một buổi tiếp xúc thường diễn ra trong vòng ba giờ đồng hồ vẫn chưa thể ghi nhận hết những tâm tư, kiến nghị của cử tri. Một số cử tri cũng bày tỏ sự không hài lòng khi có những đại biểu vắng mặt tại các buổi tiếp xúc, nhất là các cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp.
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hoạt động tiếp xúc cử tri, mới đây, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của HĐND thành phố. Theo đó, Thường trực HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành nâng cao trách nhiệm tham mưu cho UBND thành phố trong công tác giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Cụ thể là tập trung rà soát lại toàn bộ các kiến nghị của cử tri, đánh giá, phân loại kết quả giải quyết.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: Với những kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết ngay, HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố xác định rõ trách nhiệm, giải pháp, lộ trình thực hiện. Thay vì kết quả báo cáo chung chung, chúng tôi yêu cầu kết quả thực hiện phải được đánh giá thông qua các mức độ: đã giải quyết xong; đang giải quyết; đang giải quyết nhưng phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền; không giải quyết được. Đây sẽ là cơ sở để các đại biểu HĐND thành phố tiếp tục giám sát, đôn đốc và báo cáo với cử tri.