Nhiều chuyển biến trong sắp xếp lại tổ chức bộ máy
Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về 'Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả' (gọi tắt là Nghị quyết 18) và Nghị quyết 19 về 'Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (gọi tắt là Nghị quyết 19)', đến nay bộ máy hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh bước đầu đã tinh gọn và hoạt động hiệu quả hơn.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, thực hiện Nghị quyết 18 và Kế hoạch của Tỉnh ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đến nay Ban TVTU đã phê duyệt đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của 6/6 cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy; 6/6 cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh.
* Nỗ lực triển khai
Song song đó, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án của 20/21 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Qua triển khai thực hiện đề án đã giảm 58 phòng trực thuộc sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; 46 phòng thuộc chi cục trực thuộc sở và 121 chức danh lãnh đạo phòng.
Cùng với sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18, các đơn vị đã tập trung sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 19. Theo đó, Ban TVTU đã phê duyệt đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của 2/2 đơn vị sự nghiệp thuộc Tỉnh ủy là Báo Đồng Nai và Trường Chính trị tỉnh. UBND tỉnh đã phê duyệt đề án của 7/9 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh. Đối với các sở, ngành có đơn vị sự nghiệp, có 8/12 đơn vị đã được UBND tỉnh phê duyệt đề án.
Đồng chí Trần Thanh Bình, Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng nhận xét, việc thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được Ban TVTU Đồng Nai chỉ đạo thực hiện đồng bộ trong tất cả các khâu, đúng quy trình, mang tính khoa học, tạo được sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện, mang lại kết quả rất tích cực.
Đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp, đã kiện toàn 3 đơn vị và giảm 3 trường trung cấp nghề. Hiện tỉnh đã tổ chức lại Trường trung cấp nghề giao thông vận tải thành Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe; sáp nhập Trường trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật Đồng Nai vào Trường cao đẳng nghề công nghệ cao Đồng Nai và giải thể Trường trung cấp nghề 26-3.
Đối với cấp huyện, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án thành lập trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao thuộc UBND cấp huyện, trên cơ sở hợp nhất các đơn vị sự nghiệp cấp huyện như: trung tâm văn hóa thể thao, đài truyền thanh, nhà thiếu nhi, ban quản lý di tích danh thắng, thư viện và các đơn vị khác có chức năng tương đồng.
Ngoài ra một số địa phương đã hoàn thành đề án thành lập, giải thể trung tâm dịch vụ công ích; chuyển đổi mô hình hoạt động sang tự chủ ở nhiều đơn vị sự nghiệp công lập và cổ phần hóa một số đơn vị.
* Kết quả tích cực
Qua thực hiện Nghị quyết 19, đến nay đã giảm 1 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh (chuyển giao Nhà thiếu nhi Đồng Nai thuộc UBND tỉnh về Tỉnh đoàn quản lý); giảm 2 lãnh đạo cấp sở; giảm 71 đầu mối sự nghiệp thuộc sở, ngành và UBND cấp huyện; giảm 71 lãnh đạo đơn vị sự nghiệp và 125 chức danh lãnh đạo cấp phòng thuộc đơn vị sự nghiệp.
Đồng chí Phạm Văn Ru, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sau hợp nhất, sáp nhập được nâng lên rõ rệt với 100% sở, ban, ngành được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; tỷ lệ giải quyết hồ sơ, thủ tục đúng hạn đến nay đạt 98% (tăng 0,76% so với năm 2017); chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng khá. Giảm chi ngân sách cho hoạt động thường xuyên của tổ chức bộ máy hệ thống chính trị (năm 2018 giảm 15,18 tỷ đồng so với năm 2017).
Thực hiện Nghị quyết 18 và 19, thời gian qua tỉnh còn tiến hành thí điểm mô hình mới về thu gọn tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh. Trong đó, Đồng Nai đã hoàn thành sắp xếp tổ chức lại Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy và Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, trực thuộc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Vân, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy cho biết, hiện nay Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy ở các bộ phận: kế toán, thủ quỹ, lưu trữ, lái xe và phục vụ. Qua thực hiện mô hình này đã giảm được 18 người ở các ban Đảng Tỉnh ủy; giảm được quy trình thủ tục trong công tác tài chính Đảng; giảm được khâu trung gian; việc sử dụng kinh phí được chặt chẽ hơn; tiết kiệm được xăng xe cho ngân sách…
Thời gian qua, tỉnh còn thực hiện mô hình Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị ở 11/11 đơn vị cấp huyện; mô hình Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ ở 8/11 đơn vị cấp huyện; mô hình Trưởng ban Tổ chức cấp ủy kiêm Trưởng phòng Nội vụ ở 2 huyện. Dự kiến trong quý III năm nay sẽ thực hiện thêm mô hình chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cấp ủy kiêm Chánh Thanh tra cấp huyện ở 2 đơn vị: Long Khánh và Nhơn Trạch.
Đồng Nai cũng đã thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND ở 3 đơn vị cấp huyện và 80 đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở 31 đơn vị cấp xã. Tăng cường thực hiện kiêm nhiệm công việc để giảm dần số lượng những người hoạt động không chuyên trách gắn với việc tăng thu nhập cho cán bộ, công chức cấp xã, đến nay đã giảm 725 định suất so với quy định.
* Nâng cao hiệu quả hoạt động
Cùng với việc thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Đồng Nai đã tích cực thực hiện Nghị quyết 37 ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và xã. Qua rà soát, Đồng Nai không có đơn vị hành chính cấp huyện và xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định. Tuy nhiên, tỉnh đã thực hiện giải thể xã Suối Trầu (huyện Long Thành) theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, tiến hành sáp nhập các ấp, khu phố chưa đủ điều kiện theo quy định.
Theo đó, trước khi có Nghị quyết 18, 2 huyện Cẩm Mỹ và Tân Phú đã chủ động rà soát, tiến hành sáp nhập các ấp. Kết quả, huyện Cẩm Mỹ giảm 5 ấp và huyện Tân Phú giảm 52 ấp, tương ứng giảm tổng số 171 định suất người hoạt động không chuyên trách ở 2 huyện này, tiết kiệm 5,8 tỷ đồng/năm. Các địa phương khác đang xây dựng phương án điều chỉnh sáp nhập, dự kiến giảm 100 ấp, khu phố trong toàn tỉnh.
Đồng chí Phạm Văn Ru, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, qua sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, khắc phục dần tình trạng trùng lắp, chồng chéo. Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao ở các đơn vị được đồng bộ, thống nhất hơn do không còn khâu trung gian và tập trung được các nguồn lực, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên môn.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của địa phương; hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt so với nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đề ra, kinh tế của tỉnh tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao; đặc biệt Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Phương Hằng
Đồng chí Bùi Thị Bích Thủy, Bí thư Huyện ủy Thống Nhất: Làm tốt công tác tư tưởng trong quá trình thực hiện
Riêng khối các cơ quan Đảng, không thay đổi các đầu mối nhưng giảm được hai chức danh cấp trưởng khi thực hiện Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ; Trưởng ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị. Đặc biệt, Thống Nhất cũng là một trong hai huyện đầu tiên của tỉnh (Thống Nhất và Long Thành) đã giảm được chức danh Trưởng phòng Nội vụ do Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy kiêm nhiệm.
Về biên chế, huyện đã giảm từ 69 biên chế đầu nhiệm kỳ xuống còn 61 biên chế hiện nay và tiếp tục giảm còn 59 biên chế trong năm 2020. Đạt được kết quả này, cả hệ thống chính trị huyện quan tâm làm tốt công tác tư tưởng, gặp gỡ trao đổi để cán bộ thấy rõ những lợi ích của việc tinh gọn đầu mối và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị.
Đồng chí Tạ Quang Trường, Phó giám đốc Sở Nội vụ: Công cụ giúp lãnh đạo tái cấu trúc bộ máy
Trong quá trình sắp xếp, 2 Nghị quyết 18 và 19 của Trung ương chính là công cụ giúp lãnh đạo tái tạo lại cấu trúc bộ máy nhân sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Kinh nghiệm cho thấy, để làm được điều này cần có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải nỗ lực vào cuộc, không bàn lùi, đồng thời căn cứ vào thực tiễn để có lộ trình phù hợp trong quá trình thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ: Công khai, công tâm và cạnh tranh bình đẳng trong sắp xếp
Ngoài làm tốt vấn đề tư tưởng, Sở còn tổ chức thi Chương trình hành động cho 2 trưởng và 2 phó phòng khi được vận động chưa có đơn xin rút một cách công khai, công tâm và cạnh tranh bình đẳng. Các đồng chí này xây dựng và trình bày chương trình hành động trước tập thể Ban giám đốc, các trưởng, phó phòng đã hoàn thành hợp nhất. Sau đó, Ban giám đốc cùng tập thể đánh giá lựa chọn và tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm, ai đạt cao hơn sẽ được làm quy trình bổ nhiệm nên tạo sự đồng thuận, hợp tác giữa tất cả các thành viên.
Đồng thời, Sở cũng linh động giữ nguyên phụ cấp đến hết thời hạn bổ nhiệm đối với 2 nhân sự cấp trưởng xuống giữ chức cấp phó, 5 cấp phó xuống làm chuyên viên; giải quyết 1 phó phòng thôi việc theo Nghị quyết 120 nên đạt hiệu quả sau sắp xếp.
Đồng chí Võ Quang, Phó trưởng ban Công tác xây dựng Hội (Hội Cựu chiến binh tỉnh): Vui vẻ nhận nhiệm vụ
Cá nhân tôi trước khi hợp nhất là Trưởng ban Tuyên giáo Hội, nay là Phó ban Công tác xây dựng Hội cùng một số đồng chí trước đây tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Hội hoàn thành nhiệm vụ công tác. Thuận lợi của chúng tôi là những người lính đã hoàn thành nghĩa vụ trở về tham gia công tác nên đều vui vẻ nhận và hoàn thành nhiệm vụ; các chế độ phụ cấp chức vụ trước đây theo chủ trương chung vẫn được giữ đến hết thời hạn bổ nhiệm, anh em đều vui vẻ đoàn kết phát huy bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Huyền Linh (ghi)