Nhiều cơ hội cho phụ nữ thời kỳ dân số vàng ở Việt Nam
Thời kỳ dân số vàng, theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em (IPFCS) là thời kỳ trong dân số có nhiều người trong độ tuổi lao động.
Cụ thể, khi số người từ 15 đến 64 chiếm ít nhất 2/3 (hay 66%) tổng dân số. Tỷ lệ này hàm ý rằng, trong dân số, cứ 2 người trong độ tuổi lao động thì tương ứng có 1 người ngoài độ tuổi lao động (trẻ em hoặc người già).
Năm 2006, nước ta đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Năm 2019, số người từ 15 đến 64 tuổi chiếm tới 68% tổng số dân nhưng do mức sinh thấp và già hóa nhanh nên tỷ lệ này đã có xu hướng giảm. Vì vậy, theo dự báo, thời kỳ cơ cấu dân số vàng chỉ kéo dài tới năm 2042.
Nghị quyết số 21/NQ-TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đặt ra mục tiêu: “Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng”.
Như vậy, theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, cơ hội cơ cấu dân số vàng không kéo dài, chúng ta đã tận dụng được 14 năm, chỉ còn khoảng 22 năm nữa.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, phụ nữ có cơ hội rất lớn để góp phần thực hiện mục tiêu này Trước hết, vì mức sinh của nữ giới hiện nay thấp hơn nhiều so với trước đây, phụ nữ được tạo điều kiện để tham gia hoạt động kinh tế.
Năm 2019, phụ nữ chiếm 47% lực lượng lao động của cả nước. Năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của cả nước là 2,16%; tỷ lệ thất nghiệp ở nữ giới cao hơn mức trung bình nhưng cũng chỉ là 2,28%.
Theo Tổng điều tra Dân số năm 2019, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc cao của nữ cao hơn hẳn nam giới: 8,9% so với 6,4%. Đối với trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc trung, tỷ lệ lao động nữ là 3,4%, cao hơn nam giới (2,3%).