Nhiều cơ hội cho thí sinh xét tuyển vào đại học có ngành 'hot'
Hàng loạt trường đại học tiếp tục xét tuyển hàng nghìn chỉ tiêu bổ sung năm 2023. Thí sinh cần lưu ý gì khi đăng ký?
Nhiều trường đại học top đầu xét tuyển bổ sung năm 2023
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tuyển bổ sung 22 chỉ tiêu ngành Sinh học ứng dụng. Đối tượng xét tuyển là thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2023, chưa nhập học vào bất kỳ cơ sở đào tạo nào. Nhà trường xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả 3 bài thi/môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Điểm nhận hồ sơ từ 19 trở lên. Thời gian nhận hồ sơ từ 23 đến 30/9. Theo dự kiến, kết quả sẽ được công bố vào ngày 5/10.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cần tuyển thêm 548 sinh viên. Trong đó, ngành Công nghệ thông tin tuyển nhiều nhất với 176 chỉ tiêu, tiếp sau là ngành Việt Nam học (106). Trường sử dụng 3 phương thức gồm: xét kết quả thi tốt nghiệp (PT100), kết hợp điểm thi tốt nghiệp với điểm thi năng khiếu (PT405), kết hợp học bạ và điểm thi năng khiếu (PT406).
Chỉ tiêu tuyển sinh, phương thức và điểm nhận hồ sơ từng ngành như sau:
Thí sinh lưu ý ngoài tiêu chí trên, các ngành cử nhân ngoài sư phạm còn yêu cầu điểm từng môn trong tổ hợp đăng ký xét tuyển phải từ 5 trở lên. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung của Trường ĐH Sư phạm 2 đến 17h ngày 29/9.
Trường ĐH Luật Hà Nội thông báo xét tuyển bổ sung 50 chỉ tiêu theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023. Địa điểm đào tạo là phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk. Điểm xét tuyển bằng tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển và điểm ưu tiên, điểm khuyến khích (nếu có). Thí sinh đạt từ 18,15 điểm trở lên là đủ điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển.
Trường Đại học Lâm nghiệp tuyển bổ sung tới gần 1.500 chỉ tiêu, xét theo điểm học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT. Tại Hà Nội và phân hiệu Gia Lai, mức điểm nhận hồ sơ với các ngành là 15 trở lên nếu xét điểm thi tốt nghiệp THPT; 18 nếu xét theo điểm học bạ lớp 12, tính theo tổ hợp môn xét tuyển. Với phân hiệu ở tỉnh Đồng Nai, nếu dùng điểm thi tốt nghiệp, thí sinh cần đạt 16 điểm với ngành Thú y và 15 với các ngành còn lại. Ở phương thức học bạ, mức nhận hồ sơ ngành Thú y là 20, các ngành còn lại là 18. Thời gian nhận hồ sơ đến 30/10.
Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) tuyển bổ sung 3 ngành từ kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển ngành Ngôn ngữ Anh (2 năm đầu đào tạo tại Kon Tum) và Ngôn ngữ Nga là 16; Điểm nhận hồ sơ xét tuyển ngành Ngôn ngữ Pháp là 21. Mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào các ngành của Trường ĐH Ngoại ngữ.
Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) tuyển bổ sung ngành điều dưỡng năm 2023. Đối tượng đăng ký xét tuyển là thí sinh tốt nghiệp THPT chưa trúng tuyển hoặc trúng tuyển nhưng chưa xác nhận nhập học vào bất kỳ cơ sở đào tạo nào. Phương thức 1 xét tối đa 20 chỉ tiêu dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tổ hợp B00. Phương thức 2 dành tối thiểu 20 chỉ tiêu xét tuyển kết hợp kết quả thi đánh giá năng lực năm 2023 và kết quả học tập THPT. Thí sinh phải có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.
Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) tuyển bổ sung 60 sinh viên cho chương trình cử nhân Anh quốc ngành Kinh doanh quốc tế và Tài chính quốc tế. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng điểm học bạ THPT kết hợp chứng chỉ tiếng Anh.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM tuyển bổ sung ở cả cơ sở chính và phân hiệu Quảng Ngãi. Tại cơ sở chính ở TP.HCM, trường tuyển bổ sung 10 ngành với 200 chỉ tiêu.
Chuyên gia tuyển sinh lưu ý gì khi thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung?
Theo quy định của GD&ĐT, các trường được phép tuyển bổ sung đến tháng 12. Thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung của cơ sở đào tạo, thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của cơ sở đào tạo. Nếu cơ sở đào tạo xét tuyển bổ sung, thí sinh đã trúng tuyển và đã xác nhận nhập học không được xét tuyển bổ sung, trừ các trường hợp được Hiệu trưởng/Giám đốc cơ sở đào tạo cho phép không nhập học.
Dành lời khuyên cho thí sinh xét tuyển bổ sung, TS. Nguyễn Phi Long - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam lưu ý: Thí sinh cần đọc kỹ thông báo tuyển sinh bổ sung của các trường để nắm rõ các thông tin về tiêu chí tuyển sinh (điều kiện tuyển sinh), ngành tuyển sinh. Từ đó, đánh giá bản thân mình có phù hợp với ngành đó, trường đó hay không. Thí sinh cũng cần tìm hiểu kỹ về số chỉ tiêu tuyển sinh bổ sung mà các trường đã thông báo, cân nhắc điều kiện mình đang có để xem khả năng "an toàn", cơ hội trúng tuyển của mình thế nào trước khi làm hồ sơ đăng ký.
"Thông thường, theo quy định, khi xét tuyển bổ sung, điểm xét tuyển đợt bổ sung sẽ không thấp hơn điểm trúng tuyển của những đợt trước. Do vậy, rất có thể có những ngành xét tuyển bổ sung nhưng điểm rất cao. Các em cần có phán đoán rất khách quan, phải đọc kỹ các thông báo, phương thức tuyển sinh của các trường, tìm hiểu kỹ về các ngành, chỉ tiêu tuyển sinh", TS. Nguyễn Phi Long lưu ý.