Nhiều cơ hội lập nghiệp khi học nghề

Học nghề Điện tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Ảnh: THÚY HẰNG

Theo Quyết định 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, đến năm 2020, cả nước có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đến năm 2025 là 40%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, hiện các cơ sở đào tạo và các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh phân luồng học sinh phổ thông học nghề.

Thu hút học sinh học nghề

Dù các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp gặp không ít khó khăn do thiếu nguồn tuyển nhưng vẫn có một lượng học sinh kiên định chọn học nghề. Theo Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, đến thời điểm này, trường đã có hơn 750 học sinh, sinh viên nhập học. Trong đó có 4 em được nhà trường cấp học bổng toàn khóa (tương đương mức học phí toàn khóa học khoảng 26 triệu đồng) vì có điểm thi THPT quốc gia từ 18 điểm trở lên.

Ở độ tuổi 15-16, đa số học sinh chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, nên công tác tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với đối tượng này phụ thuộc chủ yếu vào quyết định của phụ huynh. Thế nhưng, phần lớn phụ huynh vẫn có tâm lý mong muốn con, em mình học lên cao, khiến cho việc phân luồng học sinh sau trung học khó đạt mục tiêu.

Em Nguyễn Văn Hưng ở huyện Tây Hòa - một trong 4 sinh viên được trường cấp học bổng toàn khóa, cho biết: “Điểm thi THPT quốc gia của em là 19,3. Với số điểm này, em dễ dàng trúng tuyển vào đại học, song em chọn học nghề Cắt gọt kim loại vì học nghề sẽ dễ tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp”.

Có cùng suy nghĩ như Hưng nên dù có điểm thi THPT quốc gia 19,95 điểm nhưng em Trần Gia Luật ở huyện Đồng Xuân, cũng chọn học nghề Công nghệ kỹ thuật cơ khí. Gia Luật chia sẻ: “Em nghĩ học nghề hiện nay dễ tìm được việc làm hơn là đại học vì các cơ sở đào tạo gắn chặt với doanh nghiệp trong thiết kế chương trình giảng dạy lý thuyết cũng như thực hành”.

Tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên, công tác tuyển sinh năm 2019 cũng có nhiều khởi sắc, khi đến thời điểm này có gần 500 học sinh, sinh viên theo học nghề. TS Đặng Văn Lái, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: So với năm trước, năm nay, học sinh sau tốt nghiệp THCS chọn học nghề tăng. Đây là tín hiệu rất đáng mừng để hiện thực hóa công tác phân luồng học sinh sau THCS.

Nhiều cơ hội lập nghiệp

Thực tế những năm gần đây cho thấy, học nghề rất dễ tìm việc làm vì hầu hết các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp luôn chủ trương gắn việc đào tạo của nhà trường với doanh nghiệp, nhiều ngành có thời lượng học thực tế tại doanh nghiệp rất nhiều nên sau khi học xong, sinh viên được doanh nghiệp nhận vào làm việc luôn.

Theo các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, hơn 80% học sinh, sinh viên có việc làm ổn định sau 1 năm tốt nghiệp, riêng các khối ngành điện công nghiệp, cơ khí, điện tử, khách sạn nhà hàng, có việc làm sau khi tốt nghiệp là 100%.

Học sinh muốn học nghề sau trung học không phải là hiếm. Tuy nhiên, ở độ tuổi 15-16, đa số học sinh chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, nên công tác tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với đối tượng này phụ thuộc chủ yếu vào quyết định của phụ huynh. Thế nhưng, phần lớn phụ huynh vẫn có tâm lý mong muốn con, em mình học lên cao, khiến cho việc phân luồng học sinh sau trung học khó đạt mục tiêu.

Để đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, UBND tỉnh vừa triển khai kế hoạch thực hiện đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh.

Theo kế hoạch này, đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 55% trường THCS, 60% trường THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ địa phương và có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Phấn đấu đạt ít nhất 25% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 40% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng…

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh yêu cầu việc định hướng phân luồng học sinh phải phù hợp với thực tế địa phương, phải có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và sự đồng thuận của xã hội trong công tác giáo dục hướng nghiệp, đặc biệt là sự thay đổi suy nghĩ của các bậc phụ huynh học sinh về giáo dục nghề nghiệp.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/228721/nhieu-co-hoi-lap-nghiep-khi-hoc-nghe.html