Nhiều cơ sở đào tạo lái xe ở TP.HCM chủ động lắp đặt cabin điện tử
Mặc dù quy định mới chưa có hiệu lực (1/1/2023) nhưng nhiều cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn TP.HCM đã chủ động đặt hàng, triển khai lắp đặt thiết bị cabin điện tử theo quy định tại Thông tư 04 của Bộ GTVT.
Thông tư số 04/2022 của Bộ GTVT quy định, các trung tâm đào tạo lái xe phải đầu tư thiết bị cabin điện tử mô phỏng từ ngày 1/1/2023. Cụ thể, học viên có tối thiểu 4 giờ thực hành mô phỏng các tình huống giao thông khác nhau như: vận hành số xe, lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch và làm quen với các bài về địa hình đồi núi, cao tốc.
Do tổng số giờ thực hành giữ nguyên nên học viên sau khi học cabin sẽ giảm số giờ tập trên sân. Phải có đủ thời gian học trên cabin và số km thực hành trên đường học viên mới được thi sát hạch lái xe. Việc áp dụng thiết bị cabin mô phỏng lái xe, học viên sẽ được tập luyện kỹ năng và phản xạ trong điều kiện địa hình, cung đường, thời tiết, tình huống giao thông khác nhau nhằm nâng cao kỹ năng lái xe.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Giao thông Tiến Bộ cho biết: "Quy định, chủ trương của Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Trung tâm cũng vừa đặt hàng lắp đặt 3 cabin điện tử để chuẩn bị đáp ứng cho nhu cầu giảng dạy theo quy định. Việc áp dụng cabin điện tử sẽ không ảnh hưởng nhiều đến khóa học của học viên, bởi cabin điện tử khi mua về đã có chương trình sẵn, các trung tâm chỉ làm quen rồi triển khai dạy học".
Đồng quan điểm, ông Phạm Hoàng Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Tư thục Thành Công cho biết: "Trung tâm cũng đã triển khai lắp đặt thử nghiệm một số cabin điện tử theo quy định tại Thông tư 04 nhằm chuẩn bị công tác giảng dạy cho học viên. Đồng thời lên giáo án, giáo vụ, nhân lực, phòng học đúng theo quy định. Hiện tại chúng tôi cũng đã tư vấn rõ cho người dân có nhu cầu đến nộp hồ sơ đăng ký học bằng lái xe về việc chuẩn bị áp dụng môn học cabin điện tử từ ngày 1/1/2023 để sau này người học không bỡ ngỡ".
Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Sát hạch lái xe Hoàng Gia cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ năng lực những đơn vị cung cấp thiết bị cabin điện tử để các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe có quyền được chọn lựa về bảng giá thiết bị, thẩm mỹ, vị trí địa lý từng khu vực… để khi mua về sử dụng nếu gặp sự cố hư hỏng sẽ tiện cho việc bảo hành sửa chữa.
"Hiện nay chúng tôi vẫn đang chờ Bộ GTVT công khai quy chuẩn về cabin điện tử để tiến hành đặt mua lắp đặt. Khi có thông tin về nhà cung cấp, trung tâm sẽ tiếp cận, lựa chọn đơn vị đặt mua cho phù hợp. Theo lưu lượng hiện nay trung tâm chỉ lắp đặt 2 cabin điện tử là đáp ứng đúng quy định", ông Long cho hay và đề xuất, Cục Đường bộ Việt Nam nên chăng lựa chọn một số cơ sở đào tạo thử nghiệm 2, 3 khóa học rồi rút kinh nghiệm, đánh giá những ưu nhược điểm, sau đó mới áp dụng đại trà đến các đơn vị, cơ sở đào tạo lái xe. Có như vậy mới hạn chế được những rủi ro.
Ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và Cấp giấy phép lái xe (Sở GTVT TP.HCM) cho biết: "Hiện nay Sở GTVT TP.HCM vẫn chờ văn bản hướng dẫn của Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam về việc quyết định áp dụng cabin điện tử để đào tạo lái xe từ ngày 1/1/2023. Bên cạnh đó, về đơn vị sản xuất thiết bị cabin điện tử, Bộ GTVT vẫn chưa công bố bất cứ một đơn vị nào đạt chứng nhận hợp quy sản xuất thiết bị".
"Tuy nhiên, khi triển khai Thông tư số 04/2022, Sở GTVT cũng đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở đào tạo lái xe. Hiện nay một số cơ sở đã chủ động lắp đặt thử nghiệm cabin điện tử. Đây là sự chuẩn bị cần thiết bởi thời gian áp dụng còn rất ngắn (chưa tới 2 tháng)", ông Quang cho biết thêm.
Được biết, hiện trên địa bàn TP.HCM có 79 cơ sở đào tạo lái xe, trong đó có 18 cơ sở đào tạo lái xe môtô, 18 cơ sở đào tạo lái xe ôtô và 43 cơ sở đào tạo lái xe ôtô và mô tô.