Nhiều cơ sở giết mổ tập trung tại Đồng Nai trước nguy cơ phá sản
Nhiều cơ sở, doanh nghiệp giết mổ tập trung tại Đồng Nai đang rơi vào cảnh 'đìu hiu' vì thiếu nguồn nguyên liệu là gia súc, gia cầm để hoạt động, vậy đâu là nguyên nhân?
Là một tỉnh được mệnh danh là “thủ phủ” ngành chăn nuôi của cả nước, Đồng Nai cũng là tỉnh phát triển về công nghiệp nên thu hút một lượng lớn người lao động nhập cư, tạo ra một thị trường tiêu thụ rất mạnh các mặt hàng thiết yếu, trong đó các loại thực phẩm là thịt gia súc, gia cầm. Khổng chỉ vậy, Đồng Nai cũng là đầu mối cung cấp một lượng lớn thực phẩm thịt gia súc, gia cầm ra thị trường tỉnh bạn.
Với lợi thế trên, lẽ ra những cơ sở giết mổ tập trung với dây chuyền sản xuất hiện đại sẽ trở nên nhộn nhịp, thế nhưng có những doanh nghiệp lại đứng trước bờ vực phá sản vì thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào để chế biến.
Trước tình trạng nhiều cơ sở, doanh nghiệp giết mổ tập trung tại Đồng Nai đang rơi vào cảnh “đìu hiu” vì thiếu nguồn nguyên liệu là gia súc, gia cầm để hoạt động, phóng viên (PV) đã đi thực tế để tìm hiểu đâu là nguyên nhân.
Có mặt tại trụ sở Công ty TNHH Ngọc Việt Long Bình (tổ 31, KP7, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) PV ghi nhận những dây chuyền, những khu vực tập trung gia súc, gia cầm trước khi đưa ra giết mổ trống hoác. Cả hệ thống nhà xưởng từ khu vực nuôi nhốt ban đầu đến khu vực tắm sạch cho gia súc sang khu vực giết mổ, sơ chế thành phẩm được xây dựng trong một khuôn viên rộng hơn 4 hecta hiện trống trơn.
Trao đổi với PV, Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Công ty Ngọc Việt Long Bình cho biết: Cơ sở giết mổ tập trung trên được ông đầu tư hơn 40 tỷ đồng với 15 dây chuyền giết mổ gia súc, gia cầm; công suất 2.000 con/ngày đối với gia súc và khoảng gần 4.000 con/ngày với các loại gia cầm.
Thế nhưng, hiện tại mỗi ngày cơ sở chỉ có khoảng hơn 40 con gia súc được đưa tới đây để giết mổ, riêng gia cầm không có con nào. Do đầu tư lớn với dây chuyền công nghệ hiện đại, hệ thống giết mổ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được cấp giấy phép hoạt động và chịu sự giám sát của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, nhưng không có đầu vào để hoạt động nên hiện nay công ty của ông mỗi ngày thua lỗ gần 20 triệu đồng.
Cũng rơi vào tình trạng như Công ty Ngọc Việt Long Bình, cơ sở giết mổ tập trung tại ấp Thuận Trường, xã Sông Thao, huyện Trảng Bom của ông Nguyễn Bá Thành. Ông Thành chia sẻ: Cơ sở của ông được đầu tư dây chuyền, công nghệ để hoạt động có công suất 1.000 con gia súc/ngày, 10.000 con gia cầm/ngày. Nhưng hiện tại mỗi ngày chỉ có khoảng 15 con gia súc, hơn 100 con gia cầm chiếm tỉ lệ chỉ hơn 1% công suất hoạt động.
Do thiếu hụt nguồn nguyên liệu là gia súc, gia cầm để cơ sở giết mổ nên hiện tại cơ sở rất khó khăn để duy trì hoạt động vì phải gánh chi phí rất lớn nhưng nguồn thu không đủ chi.
Trả lời câu hỏi của PV vì sao thiếu hụt nguyên liệu là gia súc, gia cầm để cơ sở hoạt động, trong khi chỉ tính riêng thị trường Đồng Nai mỗi ngày cần khoảng hơn 370 tấn thịt cá (theo báo cáo của Tổ công tác 970 - 2019), ông Nguyễn Việt Dũng nói: Chắc do người ta giết mổ gia súc, gia cầm tại nhà theo kiểu nhỏ lẻ, tự phát nên dẫn đến các cơ sở giết mổ tập trung như của chúng tôi bị “ế ẩm”.
Để tìm hiểu về nguyên nhân trên, PV đã có trao đổi nhanh với ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, ông Giang cho biết:
Hiện tại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 40 cơ sở giết mổ tập trung. Có những cơ sở giết mổ tập trung hiện có lượng gia súc, gia cầm được đưa vào giết mổ ít, và cũng có nhiều cơ sở hoạt động hết công suất chứ không phải cơ sở nào cũng ít, và ông cũng khẳng định không có ít đến mức khoảng hơn 1/% công suất như các chủ cơ sở phản ánh tình hình thực tế.
Khi PV đặt câu hỏi: Liệu có phải do tình trạng giết mổ lậu, nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm hoạt động trái phép nên dẫn đến tình trạng nhiều cơ sở giết mổ tập trung rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn gia súc, gia cầm để hoạt động không?
Ông Giang nói: Về chức năng thì Chi cục Chăn nuôi và Thú y quản lý các cơ sở có giấy phép đăng kí hoạt động về việc giết mổ tập trung. Còn với những trường hợp như phóng viên đặt câu hỏi thì thuộc quản lý của chính quyền địa phương. Và trong thời gian qua nhiều địa phương đã liên tục tổ chức các đoàn liên ngành để tiến hành kiểm tra, xử lý đối với những trường hợp vi phạm.
Về phía Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đã có làm báo cáo lên lãnh đạo, đề xuất sắp tới thành lập đoàn công tác liên ngành của Sở NN&PTNT với nhiều cơ quan, sở ngành tham gia để kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt trong việc giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo tốt về vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo đảm các lợi ích và quyền của người tiêu dùng.
Hiện chưa dám khẳng định nguyên nhân cuối cùng vì sao các cơ sở giết mổ tập trung lại không đủ nguồn gia súc, gia cầm để hoạt động đúng công suất thiết kế. Liệu có phải do hành vi giết mổ heo lậu, gia cầm lậu vẫn tồn tại và liên tục hoạt động như một số phản ánh đã chiếm phần lớn thị phần hay không, ông Giang nói
Việc giết mổ lậu các loại gia cầm, gia súc tiềm ẩn những nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng ra sao khi trốn tránh sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chuyên môn. Chưa nói đến việc mua gia súc chết do dịch bệnh rồi mổ thịt để đưa đi tiêu thụ mà Công an thành phố Biên Hòa vừa mới phát hiện, tiêu hủy.