Nhiều cơ sở kinh doanh đã tạm ngừng đóng cửa từ chiều 25/3

Chiều 25/3, Chủ tịch UBND TP. Hà nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội đã đề nghị tất cả các cửa hàng dịch vụ không thiết yếu đóng cửa đến hết 5/4, trừ các cửa hàng xăng dầu bán lẻ, thuốc chữa bệnh, rau củ quả, lương thực thực phẩm.

Nhà hàng Chai Talay số 5 phố Khương Trung quận Thanh Xuân đã đóng cửa từ lâu. Ảnh H.Long.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị trừ các cửa hàng thiết yếu như xăng dầu, thuốc, cửa hàng bán thức ăn, còn lại tất cả các cửa hàng dịch vụ đều phải đóng cửa trong vòng 2 tuần, đến ngày 5/4/2020. Đồng thời, ông Nguyễn Đức Chung cũng nhắc lại, các doanh nghiệp cam kết đủ các mặt hàng thực phẩm bán ra, ông chung đề nghị mọi người dân khi ra ngoài đi làm đều phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn từ 2-3m.

Hà Nội cho rằng hiện có bốn nguồn lây nhiễm lớn gồm: Lây nhiễm chéo và xuất phát ổ dịch bệnh từ bệnh viện Bạch Mai; từ các nguồn khách du lịch và người Việt Nam từ nước ngoài về nước; những người có bệnh mà chưa bị phát hiện và nguồn lây từ các nhân viên y tế.

Đối với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, thành phố sẽ kiên quyết thực hiện đóng cửa các cửa hàng dịch vụ không cần thiết.

Chiều ngày 25/3 theo khảo sát của phóng viên Báo Nhà báo và Công luận trước khi UBND TP.Hà Nội đề nghị tất cả các cửa hàng dịch vụ không thiết yếu đóng cửa đến hết 5/4. Trên nhiều tuyến phố của Thủ Đô nhiều hàng quán, cơ sở kinh doanh đã tự đóng cửa nhằm phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh những lo lắng về việc dịch Covid-19 có thể bùng phát bất cứ lúc nào thì việc kinh doanh ế ẩm, giá cả các mặt hàng tăng cộng với giá thuê mặt bằng kinh doanh cao việc đóng cửa tạm thời cũng là một giải pháp nhằm tránh bù lỗ.

Chị Nhất chủ nhà hàng Nhất Quán trên phố Thượng Đình đang rửa những đồ dùng để chuẩn bị cho việc tạm thời đóng cửa. Ảnh H.Long.

Chị Nhất, chủ của một nhà hàng kinh cho biết khoảng gần 2 tháng trở lại đây chị luôn phải bù lỗ cho hoạt động kinh doanh của mình. Số lượng khách tới nhà hàng giảm đi rõ rệt, đồng nghĩa với việc doanh thu của nhà hàng giảm tới 70%. Trong khi lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng vẫn giữ nguyên. "Vì vậy, tôi quyết định đóng cửa nhằm tránh bù lỗ cho hoạt động kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, việc đóng của tạm thời cũng nhằm tránh lây lan dịch bệnh. Bởi những người hoạt động trong môi trường kinh doanh ăn uống là một trong những đối tượng có khả năng lây nhiễm rất cao". Chị Nhất chia sẻ.

Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi nhận trên địa bàn TP. Hà Nội vào chiều ngày 25/3.

Bên trong Nhà hàng Cá sông Lô trên đường Ngụy Như Kon Tum dường như không có một khách nào tới . Ảnh H.Long.

Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại nhiều quán ăn, nhà hàng trên phố Thượng Đình (Thanh Xuân). Ảnh H.Long.

Người dân tận dụng vỉa hè thời gian các cửa hàng đóng cửa để làm chỗ tập thể thao. Ảnh H.Long.

Không chỉ có quán ăn, nhà hàng mà nhiều cửa hàng thời trang cũng tạm thời đóng cửa hoặc treo biển sang nhượng, cho thuê như thế này. Ảnh chụp phố Chùa Bộc chiều ngày 25/3. Ảnh H.Long.

Ngoài ra nhiều cửa hàng làm đẹp như các salon tóc, Spa cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Ảnh H.Long.

Từ những nhà hàng sang trọng cho tới các cửa hàng bình dân cũng đóng cửa hàng loạt như thế này. Ảnh H.Long.

Bên cạnh đó, nhiều quán cà phê có không gian rộng lượng khách tới đây cũng rất khiêm tốn. Ảnh H.Long.

Tại chợ đầu mối thuốc Hapulico vẫn rất nhộn nhịp người tới mua hàng. Ảnh H.Long.

H.Long

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhieu-co-so-kinh-doanh-da-tam-ngung-dong-cua-tu-chieu-25-3-post75528.html