Nhiều cơ sở lâm sản phải thu hẹp quy mô sản xuất

Thời gian gần đây, một số cơ sở sản xuất gỗ như ván bóc, ván dăm... trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn phải thu hẹp quy mô sản xuất do biến động từ thị trường, cộng với thời tiết mưa nhiều.

 Một xưởng sản xuất ván bóc tại thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn hoạt động chững lại do thời tiết mưa nhiều.

Một xưởng sản xuất ván bóc tại thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn hoạt động chững lại do thời tiết mưa nhiều.

Anh Hà Văn Nhiếp ở thôn Nà Cà 1, xã Cao Kỳ (huyện Chợ Mới) cho biết: Năm 2021 xưởng ván bóc đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng, đi vào hoạt động với đầy đủ các loại máy móc, phương tiện. Năm đầu tiên đầu ra thuận lợi, 1m3 gỗ bóc anh bán được 2,4 triệu đồng sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên từ năm 2022 đến nay, đặc biệt là sau dịch Covid-19 bùng phát, đầu ra sản phẩm gặp nhiều khó khăn, giá cả biến động, giảm xuống còn mức 2-2,2 triệu đồng/m3 gỗ, trong khi đó giá mua nguyên liệu lại cao, lên 700.000 - 800.000 đồng/sít-te gỗ keo ,(2 năm trước giá gỗ keo chỉ có 650.000 đồng/sít-te), quá trình hoạt động phát sinh nhiều chi phí, không có lãi nên buộc anh phải thu hẹp sản xuất.

Thời gian gần đây, thời tiết mưa nhiều nên cơ sở thường xuyên hoạt động gián đoạn. Nhiều khối gỗ để lâu ngày ngoài trời bị ngấm nước, mốc và mọc ra cả nấm. Anh Nhiếp cho biết từ chỗ sản xuất 300 tấn nguyên liệu gỗ mỗi năm, nay cơ sở chỉ duy trì khoảng 100 tấn, nhân công từ 6 người giảm còn 3 người.

Không chỉ anh Nhiếp, nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cũng đang rơi vào tình cảnh như vậy. Theo thống kê từ Chi Cục Kiểm lâm Bắc Kạn, toàn tỉnh hiện có hơn 234 cơ sở sản xuất lâm sản, trong đó có 168 cơ sở chế biến dăm, ván bóc, ván ép; 42 cơ sở chế biến đồ mộc; 9 cơ sở chế biến đũa; 15 cơ sở chế biến khai thác. Tuy nhiên đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ còn 217 cơ sở hoạt động, 17 cơ sở đã ngừng hoạt động, một số hoạt động cầm chừng.

 Xưởng ván bóc của anh Hà Văn Nhiếp ở xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới gặp khó khăn do đầu ra không ổn định.

Xưởng ván bóc của anh Hà Văn Nhiếp ở xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới gặp khó khăn do đầu ra không ổn định.

Nguyên nhân nhiều cơ sở ngừng hoạt động là vì sản phẩm đầu ra không ổn định, thị trường biến động, bấp bênh, giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất thiếu. thất thường, giá thuê nhân công, chí phí vận chuyển cao, giá thành sản phẩm xuất bán thấp, thời tiết vài tháng qua mưa nhiều nên có nhiều xưởng không thể hoạt động.

Hầu hết các cơ sở dừng sản xuất đều có quy mô nhỏ lẻ, vốn quay vòng hạn chế nên khi thị trường biến động không có vốn để duy trì, thậm chí đắp chiếu để đó. Nhiều cơ sở sản xuất theo hình thức tự phát, chạy theo nhu cầu thị trường, chưa chủ động trong việc liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm, vùng nguyên liệu chưa được cấp chứng chỉ rừng bền vững do vậy sản phẩm sau chế biến từ rừng trồng trên địa bàn không có khả năng đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu. Các cơ sở quy mô lớn tại khu công nghiệp, một số sản xuất chưa khép kín, thương hiệu sản phẩm chưa nổi tiếng trong nước và quốc tế, sản phẩm sau sản xuất còn hàng tồn kho lớn nên sản xuất cầm chừng.

 Ván bóc phơi ngoài trời phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Ván bóc phơi ngoài trời phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Hiện tại, chỉ có các xưởng sản xuất đũa xuất khẩu đi các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là hoạt động tương đối ổn định nhờ thị trường tiêu thụ khá thuận lợi, tuy nhiên ở ngách thị trường này còn khá nhỏ.

Việc các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản thu hẹp quy mô sản xuất tác động không nhỏ đến đời sống mưu sinh của nhiều hộ gia đình cũng như cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ trong tỉnh. Các cơ sở mong muốn cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên cập nhật, đưa ra dự báo về thị trường gỗ, có định hướng, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở sản xuất gỗ trên địa bàn tỉnh./.

Thu Trang

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/nhieu-co-so-lam-san-phai-thu-hep-quy-mo-san-xuat-post65409.html