Nhiều cọc không nằm trong hệ thống giằng vẫn được nghiệm thu?

Sau hơn hai tháng hoàn thiện và đưa vào sử dụng, tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu (đoạn từ cầu bà Nụ đến đình Nam) tại xã Bắc Sơn, huyện An Dương, TP Hải Phòng, đã bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu đứt gãy giằng bê tông và cọc bê tông nghiêng vào lòng mương, gây lún mặt đường khoảng 20 mét.

Không chỉ tuyến từ cầu bà Nụ đến đình Nam, tuyến đường trục thôn 4 (từ đường trục xã, trường tiểu học Bắc Sơn qua nhà văn hóa thôn 4 đến đường liên thôn 4-5) cũng gặp tình trạng tương tự. Cọc bê tông không nằm trong giằng, không kết nối với giằng mà nằm độc lập.

Đường bị lún

Dự án nâng cấp đường nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Bắc Sơn, do UBND huyện An Dương phê duyệt do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng, khởi công tháng 8/2023 và hoàn thành tháng 5/2024, đã gặp vấn đề kỹ thuật.

Người dân cho biết đơn vị thi công tuyến đường trục thôn từ cầu bà Nụ đi Đình Nam đã không dùng máy đóng cọc chuyên dụng, mà dùng gầu máy xúc ấn cọc xuống mương, dẫn đến việc cọc không xuống hết. Để ghép được các cọc vào giằng chạy dọc phía trên, đơn vị thi công còn cắt bớt chiều dài cọc để ghép vào giằng.

Chiều dài của các cọc tại tuyến cầu bà Nụ đến đình Nam đều thiếu so với thiết kế.

Chiều dài của các cọc tại tuyến cầu bà Nụ đến đình Nam đều thiếu so với thiết kế.

Theo quan sát của phóng viên, tại hiện trường dự án hiện nay chiều dài các cọc bê tông cốt thép chỉ đạt trung bình 5,5m, có cọc chỉ còn 5,1m. Theo thiết kế các cọc bê tông cốt thép trên phải có kích thước 25x25 cm, cọc dài 6m. Như vậy chiều dài các cọc bê tông đã đóng xuống tại tuyến này (khoảng hơn 100 cọc) thiếu mỗi cọc từ 0,5m đến 1m. Dù chiều dài cọc thiếu và không đóng đúng kỹ thuật nhưng toàn bộ dãy cọc này vẫn qua được khâu nghiệm thu và cho triển khai làm các phần việc tiếp theo là giằng và hè, đường...

Đặc biệt cũng tại tuyến đường trục thôn từ cầu bà Nụ đi Đình Nam theo thiết kế ban đầu được phê duyệt và được sở Giao thông vận tải TP Hải Phòng thẩm định thì hệ thống cọc bê tông cốt thép gia cố tuyến mương chỉ kéo dài từ cọc D1 đến D2 (dài 50m), còn từ cọc D2 đến cọc D8 (dài khoảng 115m) sẽ phải đào vét hết bùn, hữu cơ sau đó gia cố bằng cọc tre phên nứa 2 lớp (không sử dụng cọc bê tông cốt thép), đoạn cuối tuyến qua mương sử dụng kè đá hiện trạng.

Một đoạn đường dài hơn 20m đã bị lún và được khắc phục.

Một đoạn đường dài hơn 20m đã bị lún và được khắc phục.

Tuy nhiên, hiện nay đoạn từ cọc D2 đến D8 đã được chuyển hết sang cọc bê tông cốt thép để gia cố mương. Tưởng chừng việc điều chỉnh này sẽ làm cho hệ thống mương được gia cố chắc chắn hơn, hè đường sẽ không bị lún sụt. Nhưng chính tại khu vực điều chỉnh này lại là khu vực đường đang bị lún, cọc bê tông bị đẩy ra phía lòng mương, giằng bị đứt gãy...

Hiện đơn vị thi công đang tổ chức khắc phục đoạn đường bị lún bằng cách đào đường lên và làm lại. Tuy nhiên nguyên nhân của việc đoạn đường bị lún là do hệ thống cọc chưa đảm bảo thì chưa được xử lý.

Tuy nhiên hệ thống giằng chạy trên đầu cọc có nhiều vị trí đã đứt gãy nhưng chưa xử lý triệt để mà chỉ trát xi măng vá víu.

Tuy nhiên hệ thống giằng chạy trên đầu cọc có nhiều vị trí đã đứt gãy nhưng chưa xử lý triệt để mà chỉ trát xi măng vá víu.

Một người dân ở đây cho biết: Vá víu kiểu kiểu này thì sớm muộn đường lại lún tiếp vì xe cộ qua lại nhiều, hệ thống cọc không chắn chắn nghiêng về phía lòng mương thì hè, đường dễ bị sụt theo. Bao nhiêu năm mong chờ mới làm lại được con đường này, nên chúng tôi mong đường có tuổi thọ ít nhất cũng phải được 10 năm.

Giám sát ở đâu?

Tuyến đường trục thôn 4 (từ đường trục xã, trường tiểu học Bắc Sơn qua nhà văn hóa thôn 4 đến đường liên thôn 4-5) đoạn chạy qua mương (từ cọc TC5 đến TC7) cũng gặp tình trạng tương tự. Số lượng cọc bê tông cốt thép phải đóng xuống để gia cố mương là 41 cấu kiện (cọc), mỗi cọc dài 6m, kích thước 25x25cm. Nhưng hiện nay có khoảng 50 % số cọc trên đóng không đúng kỹ thuật, có cọc bị đóng lệch hẳn ra khỏi giằng.

Tuy nhiên cũng giống với tuyến cầu bà Nụ đi Đình Nam, số cọc này vẫn qua được khâu nghiệm thu từng phần và cho đổ giằng, làm hè, đường... Đối với cọc nằm hoàn toàn ngoài giằng (khoảng hơn 10 cọc) thì đơn vị thi công đã đổ thêm lớp bê tông che phủ lên phía đầu cọc.

Nhiều cọc đã bị đóng lệch tuyến ra ngoài, cọc không nằm trong giằng.

Nhiều cọc đã bị đóng lệch tuyến ra ngoài, cọc không nằm trong giằng.

Những câu hỏi về việc tại sao toàn bộ số cọc của 2 tuyến trên lại được nghiệm thu khi không đảm bảo kỹ thuật, không đủ độ dài? Phương án xử lý tại tuyến cầu bà Nụ đi đình Nam sao không xử lý từ nguyên nhân mà lại đi khắc phục phần ngọn? Tại sao lại thay đổi thiết kế ban đầu? Và công tác giám sát của chủ đầu tư trong suốt quá trình 9 tháng thi công diễn ra có nghiêm túc không?...- tại buổi làm việc với phóng viên, đã được lãnh đạo Ban quản lý dự án và đầu tư xây dựng huyện An Dương tiếp nhận và cho biết sẽ kiểm tra và thông tin lại sau.

Việc người dân phản ánh đơn vị thi công không đúng kỹ thuật, không đúng hồ sơ thiết kế tại dự án đường nông thôn mới kiểu mẫu xã Bắc Sơn huyện An Dương để ảnh hưởng tới chất lượng công trình là hoàn toàn có cơ sở. Các cơ quan chức năng có liên quan của TP Hải Phòng cần sớm vào cuộc kiểm tra và xử lý theo quy định để đảm bảo chất lượng công trình.

Thanh Vân

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//du-an/nhieu-coc-khong-nam-trong-he-thong-giang-van-duoc-nghiem-thu-1100982.html