Nhiều công chức ở Ninh Bình được bổ nhiệm không đảm bảo quy trình
Thanh tra Bộ Nội vụ vừa có kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng, quản lý công chức của tỉnh Ninh Bình.
Thanh tra Bộ Nội vụ vừa ban hành kết luận việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức; tuyển dụng công chức; xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý; số lượng cấp phó và việc ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan hành chính nhà nước của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình.
Kết luận thanh tra cho thấy Ủy ban Nhân dân tỉnh áp dụng Nghị quyết số 27/2011/NQ-HĐND và Nghị quyết số 36/2012/NQ-HĐND sửa đổi Nghị quyết số 27/2011/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh quy định về chính sách khuyến khích tài năng và thu hút một số đối tượng là người có trình độ cao về công tác tại tỉnh Ninh Bình (sinh viên mới tốt nghiệp, sinh viên các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh tham gia công tác đoàn của tỉnh và đạt giải trong hội thi tay nghề giỏi cấp quốc gia, quốc tế, bác sỹ, dược sỹ tốt nghiệp hệ chính quy) là không đúng quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức, lao động tỉnh Ninh Bình (kèm theo Quyết định số 10/2014/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh) có nội dung chưa phù hợp quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP (về thẩm quyền quyết định thành lập và tiến hành kiểm tra, sát hạch các đối tượng được tuyển dụng trong trường hợp đặc biệt) nhưng chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung.
Bổ nhiệm ngạch công chức nhưng chưa có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên
Về quản lý biên chế công chức, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình và các cơ quan, tổ chức thực hiện cơ bản theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, Ủy ban Nhân dân tỉnh còn giao biên chế sự nghiệp làm công việc của công chức trong cơ quan hành chính.
Tại thời điểm thanh tra, 12 cơ quan, tổ chức còn sử dụng 39 viên chức để làm công việc của công chức và 4 cơ quan, tổ chức còn sử dụng 18 lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan hành chính nhà nước.
Trong giai đoạn thanh tra, Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức 2 kỳ tuyển dụng công chức năm 2018 và năm 2019 bằng hình thức thi tuyển và xét tuyển, qua đó đã tuyển dụng được 77 công chức ngạch chuyên viên, kiểm lâm viên. Về cơ bản, 2 kỳ thi tuyển, xét tuyển công chức được Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện theo quy định.
Tuy nhiên, thông báo tuyển dụng công chức không được niêm yết tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng (Ủy ban Nhân dân tỉnh).
Trong kỳ thi tuyển công chức năm 2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh không thực hiện việc thông báo bổ sung khi có thay đổi chỉ tiêu tuyển dụng, vị trí việc làm theo quy định (do đã tuyển dụng theo chính sách thu hút).
Hội đồng tuyển dụng công chức không báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh về kết quả tuyển dụng vòng 2; đồng thời, ban hành thông báo kết quả tuyển dụng là không đúng thẩm quyền quy định.
Đến thời điểm thanh tra, một số cơ quan, tổ chức chưa hướng dẫn công chức mới được tuyển dụng hoàn chỉnh đầy đủ thành phần hồ sơ công chức (như quyển sơ yếu lý lịch, bản tiểu sử tóm tắt, tổ chức kê khai, thẩm tra, xác minh...); còn 4 công chức đã được bổ nhiệm vào ngạch công chức nhưng chưa có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên.
Đối với trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức, qua kiểm tra 50 hồ sơ cho thấy việc tuyển dụng công chức được Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện theo thẩm quyền và cơ bản đã đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục tuyển dụng theo quy định. Song, có 5 trường hợp trước đó được tuyển dụng vào viên chức theo chính sách thu hút của tỉnh; 2 trường hợp tốt nghiệp đại học loại giỏi ở nước ngoài nhưng không thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục tuyển dụng; 1 trường hợp chưa có chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên.
Đa số các biên bản kiểm tra, sát hạch không phản ánh việc sát hạch về trình độ hiểu biết chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người được đề nghị tiếp nhận; Hội đồng kiểm tra, sát hạch không báo cáo người đứng đầu cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định nội dung và hình thức sát hạch theo quy định.
Một số tài liệu trong nhiều hồ sơ tiếp nhận là bản sao không có công chứng (như bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ, chứng nhận sức khỏe, lý lịch tư pháp...).
Đối với 10 trường hợp xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên, các hồ sơ xét chuyển không có văn bản hoặc xác nhận của người có thẩm quyền đồng ý cho xét chuyển thành công chức từ cấp huyện trở lên.
20 trường hợp được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại không đảm bảo trình tự, thủ tục tuyển dụng
Theo kết luận thanh tra, nhìn chung, Ủy ban Nhân dân tỉnh và các cơ quan, tổ chức đã chấp hành quy định pháp luật về điều kiện, tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Tuy nhiên, tại thời điểm thanh tra, có 2 công chức được bổ nhiệm chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn chức danh theo quy định pháp luật hoặc quy định của Ủy ban Nhân dân tỉnh và 20 trường hợp được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại (trong đó có 16 trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại sau ngày 28/12/2017) nhưng trước đó được tuyển dụng theo chính sách thu hút của Ủy ban Nhân dân tỉnh hoặc được tiếp nhận từ doanh nghiệp, điều động từ đơn vị sự nghiệp,… không đảm bảo trình tự, thủ tục tuyển dụng.
Một số trình tự, thủ tục bổ nhiệm chưa được phản ánh bằng văn bản lưu trong hồ sơ bổ nhiệm như: chủ trương, phê duyệt chủ trương, tờ trình đề nghị bổ nhiệm; tập thể lãnh đạo thảo luận, biểu quyết, trao đổi yêu cầu công tác với người được giới thiệu, làm việc với cấp ủy và thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi đến, nơi đi (đối với hồ sơ bổ nhiệm nguồn nhân sự tại chỗ hoặc nguồn nơi khác); đánh giá, nhận xét của thủ trưởng trực tiếp, trao đổi trong tập thể lãnh đạo đơn vị về việc bổ nhiệm lại.
Ngoài ra, quyết định bổ nhiệm lại đối với 02 công chức thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, tổ chức còn chậm so với quy định.
Nhiều hồ sơ không có mẫu sơ yếu lý lịch 2C-BNV/2008 của Bộ Nội vụ mà sử dụng mẫu sơ yếu lý lịch 2C/TW-98 do Ban Tổ chức Trung ương ban hành; việc xác nhận sơ yếu lý lịch đối với công chức được xem xét bổ nhiệm của đa số các trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân cấp huyện còn không phù hợp quy định về phân cấp quản lý cán bộ, công chức.
Đến thời điểm thanh tra, còn 4 cơ quan, tổ chức ký và sử dụng 14 hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan hành chính nhà nước.
Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức; tuyển dụng công chức; xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý; số lượng cấp phó.
Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình rà soát các văn bản quy định, hướng dẫn, thực hiện về công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức do địa phương ban hành theo thẩm quyền, cập nhật, sửa đổi và ban hành các văn bản mới để thay thế, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tỉnh không giao và sử dụng viên chức; hợp đồng lao động, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan hành chính nhà nước.
Thanh tra Bộ Nội vụ cũng kiến nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh xử lý theo thẩm quyền đối với 27 trường hợp được tuyển dụng theo chính sách thu hút của tỉnh hoặc chưa thực hiện đầy đủ quy trình tuyển dụng (gồm 5 trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức và 20 trường hợp giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được tuyển dụng theo chính sách thu hút của tỉnh; 2 trường hợp trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng không thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục tuyển dụng) theo Kết luận số 71/TW của Ban Bí thư về việc xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức theo Thông báo Kết luận số 43-TB/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 2965/HD-BNV của Bộ Nội vụ.
Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị tỉnh tiến hành rà soát các trường hợp được tuyển dụng vào công chức, viên chức theo chính sách thu hút của tỉnh để có biện pháp xử lý theo các kết luận, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước và của Bộ Nội vụ; xử lý theo thẩm quyền đối với 1 công chức lãnh đạo phòng cấp huyện đang giữ ngạch cán sự và không đảm bảo thời gian giữ ngạch được bổ nhiệm sau ngày 28/12/2017 theo Thông báo Kết luận số 43-TB/TW ngày 28/12/2017 của Bộ Chính trị, Kết luận số 48-KL/TW ngày 26/4/2019 của Ban Bí thư.
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình rà soát điều kiện, tiêu chuẩn; trình tự, thủ tục đối với các trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định của Đảng và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, kịp thời phát hiện các trường hợp được bổ nhiệm trước ngày 28/12/2017 còn chưa đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn để cử đi đào tạo, bồi dưỡng nhằm bổ sung, hoàn thiện theo quy định; chấm dứt việc sử dụng 14 hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; không thực hiện việc ký và sử dụng lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan hành chính nhà nước.
Tỉnh Ninh Bình cũng cần thường xuyên tổ chức tập huấn về công tác tổ chức cán bộ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức để phát hiện những sơ hở, hạn chế và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
"Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; thủ trưởng các cơ quan, tổ chức cùng chịu trách nhiệm đối với các tồn tại, hạn chế có liên quan nêu trong kết luận thanh tra này; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để có hình thức xử lý theo quy định," kết luận thanh tra nhấn mạnh./.