Nhiều công trình cấp nước tiền tỷ 'đắp chiếu'
Đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng các công trình cấp nước cho người dân ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nhưng sau một thời gian hoạt động, hoặc đầu tư xây dựng xong thì các công trình này sử dụng kém hiệu quả, hư hỏng hoặc 'đắp chiếu' chưa có phương án xử lý…
Công trình cấp nước “đắp chiếu”
Trên địa bàn huyện Bù Đăng hiện có 19 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho người dân. Trong đó, 10 công trình được UBND tỉnh đầu tư và 9 công trình do UBND huyện làm chủ đầu tư với kinh phí hàng chục tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và Chương trình 134 của Chính phủ. Nhưng điều đáng nói, các công trình này chỉ sử dụng được 1-2 năm đã hư hỏng và bị bỏ hoang. Ngoài ra, còn một số công trình khác sử dụng thời gian ngắn thì người dân không còn nhu cầu sử dụng hoặc đang hoạt động nhưng kém hiệu quả.
Đơn cử là công trình cấp nước sinh hoạt tại trung tâm xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng được đầu tư xây dựng từ năm 2009 có công suất thiết kế 200m3/ngày, đêm cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 1.400 người dân. Nhưng khi đưa vào vận hành khai thác chỉ với công suất thực tế 30m3/ngày, đêm để cấp cho 148 người dân có nhu cầu sử dụng nước. UBND xã Phú Sơn chịu trách nhiệm quản lý công trình này. Hiện nay, công trình không còn hoạt động. Chủ tịch UBND xã Phú Sơn Vũ Xuân Thủy cho biết: “Đây là công trình cấp nước sạch duy nhất trên địa bàn xã do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, được bàn giao địa phương quản lý, vận hành cấp nước cho người dân khu vực trung tâm xã. Hiện nay, nhà máy nước này không còn hoạt động, thiếu nguồn nước sạch gây khó khăn trong đời sống sinh hoạt của người dân”.
Nhận thấy nhu cầu cấp bách, năm 2016, UBND tỉnh quyết định giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư dự án nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt tại xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng. Dự án có tổng mức đầu tư 7,721 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương cho các hạng mục nhà máy, bể nước, ống dẫn nước... Nghe tin xã sắp có nước sạch về tận thôn, người dân xã Thọ Sơn ai nấy đều vui mừng, từ đây không phải ra suối hoặc phải canh múc từng gàu nước giếng khi mùa khô đến. Tuy nhiên, khi công trình nâng cấp hệ thống cấp nước hoàn thiện thì từ đó đến nay (hơn 3 năm), họ chỉ thấy nước chảy về 1 lần rồi... tắt ngấm. Bà Trần Thị Sen ở thôn Sơn Tùng chia sẻ: “Hồi đó làm công trình rầm rộ lắm, người dân phấn khởi hiến đất, chặt cây trồng để đường nước chạy dọc thôn. Nhưng đến nay, nước sạch đâu không thấy mà người dân trong thôn vẫn phải ra suối, giếng sâu không an toàn để lấy nước sinh hoạt”.
Trưởng thôn Sơn Tùng Lê Xuân Đạo cho biết thêm: “Sơn Tùng hiện có 280 hộ dân cũng là thôn khó về nước nhất của xã Thọ Sơn. Người dân thấy Nhà nước đầu tư nhà máy cấp nước thì phấn khởi, vui mừng lắm. Năm 2019, khi thử vận hành nhà máy với 1/3 công suất theo thiết kế thì tại các đầu nối của tuyến ống chính cung cấp nước đến người dân bị xì tràn ra quốc lộ 14. Từ đó đến nay, bà con chúng tôi mong mỏi chờ nguồn nước sạch”.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn Nguyễn Ngọc Huyến cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã có 2 nhà máy cung cấp nước sinh hoạt cho người dân đều nằm tại 1 vị trí. Nhà máy nước được đầu tư năm 2009 từ Chương trình 134 vẫn hoạt động, cung cấp nước cho khoảng 100 hộ dân sinh sống ở khu vực chợ Thọ Sơn và các thôn Sơn Lợi, Sơn Hiệp, Sơn Thủy. Nhà máy mới đã hoàn thành hơn 3 năm chưa được đưa vào hoạt động, dẫn đến bức xúc của người dân”.
Theo báo cáo mới đây, toàn tỉnh có 150 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn. Trong đó, khoảng 100 công trình đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 134 của Chính phủ đã hư hỏng, xuống cấp và trong tình trạng không sử dụng được. Đối với 41 công trình từ nguồn vốn Trung ương thì đến hơn 50% hoạt động kém hiệu quả, 8 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn không hoạt động được.
Giải pháp nào cho công trình “tiền tỷ”?
Tại buổi giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh về thực trạng quản lý, đầu tư nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tại huyện Bù Đăng vừa qua, lãnh đạo UBND huyện cho rằng, trên cơ sở phân cấp giao UBND xã quản lý, việc sử dụng và khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn chưa tốt. Bên cạnh đó, vì nhiều lý do xuất phát từ nhu cầu sử dụng của người dân không còn, cũng như không đảm bảo đóng đủ tiền điện, hệ thống hư hỏng nên theo thời gian, công trình đã xuống cấp, bỏ hoang…
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Phú Sơn Vũ Xuân Thủy, địa phương rất cần hệ thống cung cấp nước sạch phục vụ người dân trên địa bàn. “Việc giao hệ thống cung cấp nước sạch cho địa phương quản lý, vận hành thì không dám đảm nhận, vì thiếu nguồn nhân lực chuyên môn vận hành và kinh phí để sửa chữa khi có sự cố xảy ra. Chúng tôi mong muốn sau khi tái đầu tư nâng cấp, hệ thống được bàn giao lại cho các đơn vị chức năng có chuyên môn vận hành khai thác nhằm mang lại hiệu quả cao, phục vụ tốt nhất cho người dân” - ông Vũ Xuân Thủy cho biết.
Đối với việc nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt tại xã Thọ Sơn, UBND tỉnh đã bàn giao dự án cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý khai thác. Tuy nhiên, hơn 3 năm nay vẫn “đắp chiếu” chưa đưa vào khai thác. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho rằng, ngoài các hạng mục thuộc diện đầu tư nâng cấp mới được bàn giao, còn hạng mục cũ do UBND xã Thọ Sơn quản lý, khai thác chưa được bàn giao cho đơn vị quản lý khai thác mới. Vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn Nguyễn Ngọc Huyến cho biết: “Chính quyền và nhân dân xã rất vui mừng, phấn khởi khi được quan tâm đầu tư xây dựng mới nhà máy nước có công suất lớn. Nếu nhà máy nước đi vào hoạt động, xã sẽ bàn giao hệ thống cấp nước đang sử dụng để đơn vị có chức năng vận hành khai thác, tránh tình trạng quản lý chồng chéo”.
Cũng tại đợt giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, lãnh đạo huyện Bù Đăng đã đánh giá cao các công trình do Công ty TNHH MTV Dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý, vận hành tại địa phương đều hoạt động tốt, số hộ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh ngày càng tăng. Các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân được đơn vị duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Nhân viên quản lý, vận hành có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thu phí sử dụng nước theo giá quy định, nhận được sự đồng thuận của người dân.
Đối với vấn đề của công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Thọ Sơn chưa đưa vào vận hành khai thác dù thi công hoàn thành hơn 3 năm nay, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Dịch vụ thủy lợi Bình Phước Đặng Đình Thuần cho biết: “Thực hiện quyết định của UBND tỉnh, đơn vị đã cùng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh và huyện Bù Đăng kiểm tra thực tế công trình. Trong quá trình vận hành thử nghiệm có nhiều điểm bị bể, vỡ trên tuyến đường ống nước dọc quốc lộ 14 thuộc thôn Sơn Tùng, xã Thọ Sơn. Do vậy, đoàn kiểm tra đã đề nghị Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh yêu cầu nhà thầu thi công khắc phục sự cố tồn tại để bàn giao cho đơn vị. Bên cạnh đó, công ty cũng cử cán bộ chuyên môn kỹ thuật phối hợp để giám sát trong quá trình khắc phục sự cố”.
Tuy nhiên, đến nay việc khắc phục sự cố của hệ thống cấp nước tập trung xã Thọ Sơn vẫn chưa được tiến hành và không biết khi nào thì đưa vào hoạt động cấp nước, phục vụ nhu cầu bức thiết của người dân nơi đây.
Cử tri và người dân rất mong ngành chức năng có “giải pháp hữu hiệu” để phát huy hiệu quả các công trình cấp nước sạch, giúp người dân vùng nông thôn nâng cao chất lượng cuộc sống.