Nhiều công trình hồ đập hư hỏng cần khắc phục, sửa chữa khẩn cấp

Trong các công trình hồ chứa, đập dâng… được xây dựng, đưa vào khai thác ở Quảng Trị hiện có 4 công trình đang bị hư hỏng, cần khắc phục, sửa chữa khẩn cấp.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Trị, Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi được giao quản lý 17 hồ chứa, 2 đập dâng, 29 trạm bơm, 10 công trình ngăn mặn… trên 867 km kênh mương, phục vụ tưới tiêu có hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp của 8/10 huyện, thị, thành phố với tổng diện tích hơn 32.700 ha/năm.

Hiện nay, 4 công trình đang bị hư hỏng, cần khắc phục sửa chữa khẩn cấp bao gồm đập ngăn mặn Vĩnh Phước, tràn xả lũ Trúc Kinh, hồ chứa nước Phú Dụng và đập ngăn mặn Châu Thị.

Đập ngăn mặn Vĩnh Phước sau thời gian đưa vào sử dụng hiện nay xuống cấp một số hạng mục.

Đập ngăn mặn Vĩnh Phước sau thời gian đưa vào sử dụng hiện nay xuống cấp một số hạng mục.

Điển hình, công trình đập ngăn mặn Vĩnh Phước (xây dựng năm 1992) có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt để cấp nước tưới cho hơn 400 ha lúa, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho TP Đông Hà với công suất 20.000 m3/ngày đêm.

Do thường xuyên ảnh hưởng của mưa lũ, xâm nhập mặn nên một số hạng mục bị xuống cấp. Phần đập tràn tự do bị hư hỏng, sụt lún nhiều đoạn, thân đập xói tạo thành hàm ếch, có nơi bị rỗng thân đập có nguy cơ lún, sập mặt đập…

Vụ Hè Thu hàng năm, mực nước phía thượng lưu đập xuống thấp, mực nước phía hạ lưu đập dâng cao do triều cường mặn xâm nhập vào nội đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất không đảm bảo nguồn nước ngọt cho nhà máy nước Tân Lương hoạt động cấp nước cho TP Đông Hà.

Trong khi đó, công trình hồ chứa nước Trúc Kinh (được xây dựng từ năm 1992) có nhiệm vụ thiết kế tưới cho 2.350ha đất sản xuất nông nghiệp cho 2 huyện là Cam Lộ, Gio Linh và TP Đông Hà.

Kiểm tra trước mùa mưa bão năm 2024 cho thấy, toàn bộ 3 cửa tràn đều có hiện tượng gỉ, một số thanh thép thuộc hệ dầm phụ, thanh chống bị gỉ sét, ăn mòn gây mục, thủng, đứt gãy… Một số hạng mục công trình phụ trợ bị hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn công trình trong mùa mưa lũ.

Trước thực trạng xuống cấp, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị kiến nghị bố trí vốn để sửa chữa khẩn cấp 4 công trình.

Trước thực trạng xuống cấp, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị kiến nghị bố trí vốn để sửa chữa khẩn cấp 4 công trình.

Trong khi đó, đập ngăn mặn Châu Thị được đầu tư xây dựng năm 1989, có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt tạo nguồn cấp nước tưới cho 135ha đất sản xuất nông nghiệp của 4 xã, thị trấn ở huyện Vĩnh Linh.

Hiện công trình xuống cấp, đập đất bị sạt, trượt mái, phần ngưỡng tràn bị bong tróc phần bê tông, phần giữ nước bằng bê tông cốt thép lão hóa, mục bể, xuống cấp gây rò rỉ nước, không giữ và dự trữ đủ nguồn nước để bơm tưới phục vụ sản xuất.

Hay như hồ chứa nước Phú Dụng (được xây dựng năm 1978) có dung tích thiết kế 0,495 triệu m3. Công trình có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 44,2ha đất nông nghiệp của xã Gio Sơn, huyện Gio Linh.

Năm 2024, hiện tượng thấm đập chính có xu hướng phát triển mạnh thêm, gây sạt trượt mái đập nếu không được xử lý kịp thời và nguy cơ cao gây mất an toàn công trình.

Liên quan vấn đề này, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Quảng Trị cho biết, vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí để khắc phục khẩn cấp đối với 4 công trình hồ đập nói trên trong thời gian tới.

"Riêng đập ngăn mặn Vĩnh Phước, ngày 17/7, Sở Tài chính trình UBND tỉnh Quảng Trị bố trí hơn 1,1 tỷ đồng để thực hiện, nhưng đến nay dự án chưa được bố trí kinh phí, nên chưa có cơ sở triển khai các bước tiếp theo", Sở NN&PTNT cho hay.

Trước đó, ngày 15/5, Báo Sức khỏe & Đời sống có bài phản ánh về việc đập ngăn mặn Vĩnh Phước sau hàng chục năm đưa vào sử dụng đang bị xuống cấp, hư hại đe dọa đến việc cấp nước tưới cho 400 ha lúa của người dân và nước sinh hoạt cho TP Đông Hà.

Lãnh đạo Sở NN&PTNN Quảng Trị cho hay, để đảm bảo ổn định, an toàn, đáp ứng nhiệm vụ công trình, đơn vị có văn bản đề nghị UBND tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí để khắc phục, sửa chữa.

Trong đó, đề nghị UBND tỉnh giao Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng để có thể xác định chính xác mức độ xuống cấp và lập đầy đủ hồ sơ theo quy định, đề xuất giải pháp nâng cấp, sửa chữa đảm bảo an toàn công trình về lâu dài.

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-cong-trinh-ho-dap-hu-hong-can-khac-phuc-sua-chua-khan-cap-169241010074820506.htm