Nhiều công trình thủy lợi ở Quảng Trị cần sửa chữa khẩn cấp

Đó là tràn xả lũ Trúc Kinh (hồ chứa nước Trúc Kinh), hồ chứa nước Phú Dụng, 2 đập ngăn mặn Vĩnh Phước và Châu Thị. Đây là những công trình thủy lợi được xây dựng và đưa vào vận hành trên 30 năm, nhiều hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Quảng Trị, với hiện trạng đáng lo ngại của các công trình này, cần đầu tư khắc phục, sửa chữa khẩn cấp.

Đập ngăn mặn Vĩnh Phước xuống cấp, hư hỏng nặng, cần khẩn cấp nâng cấp, sửa chữa.

Đập ngăn mặn Vĩnh Phước xuống cấp, hư hỏng nặng, cần khẩn cấp nâng cấp, sửa chữa.

Hồ chứa nước Trúc Kinh được xây dựng từ năm 1992, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 1996. Công trình có nhiệm vụ thiết kế tưới cho hơn 2.300 ha đất sản xuất nông nghiệp của 2 huyện Cam Lộ, Gio Linh và TP Đông Hà. Qua thời gian, ảnh hưởng thiên tai, bão lũ, công trình bị hư hại. Vào năm 2015, cụm công trình đầu mối (đập đất, cống lấy nước, nhà quản lý, đường quản lý) của hồ chứa đã được đầu tư nâng cấp và hoàn thành năm 2018 (từ dự án WB7). Đối với hạng mục tràn xả lũ của hồ chứa, có nhiệm vụ điều tiết xả lũ đảm bảo an toàn hồ chứa, an toàn cho vùng hạ du; điều tiết nguồn nước đảm bảo hồ tích đạt dung tích thiết kế phục vụ sản xuất hiện “báo động” xuống cấp. Cụ thể, ngay trước mùa mưa bão năm 2024, qua kiểm tra toàn bộ 3 cửa tràn đều có hiện tượng hen gỉ, cá biệt có một số thanh thép thuộc hệ dầm phụ, thanh chống bị gỉ sét, ăn mòn gây mục, thủng, đứt gãy; roăng cao su củ tỏi bị lão hóa, hư hỏng, thép chịu lực bị bung và han gỉ làm giảm khả năng chịu lực. Một số hạng mục công trình phụ trợ bị hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn công trình trong mùa mưa lũ.

Tương tự, tình trạng hiện tại của đập ngăn mặn Vĩnh Phước khiến người dân TP Đông Hà và H.Triệu Phong đang rất lo lắng. Người dân nhớ rõ công trình được xây dựng năm 1992, có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt để cấp nước tưới cho hơn 400 ha lúa của phường Đông Lương, Đông Lễ, phường 2 (TP Đông Hà) và xã Triệu Ái (huyện Triệu Phong); đặc biệt tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho TP Đông Hà với công suất 20.000 m3/ngày đêm (nhà máy nước Tân Lương); đảm bảo yêu cầu giao thông đường thủy với loại thuyền 1,5 tấn. Năm 1998, công trình này được khắc phục tràn. Đến năm 2013, được nâng cấp sửa chữa phần cửa điều tiết. Quá trình vận hành, khai thác đã lâu, thường xuyên ảnh hưởng của mưa lũ, xâm nhập mặn nên một số hạng mục công trình bị xuống cấp.

Ghi nhận đợt kiểm tra mới đây nhất, phần đập tràn tự do bị hư hỏng, sụt lún nhiều đoạn, phần thân đập bị xói tạo thành hàm ếch, có nơi bị rỗng thân đập có nguy cơ lún, sập mặt đập. Bê tông mặt tràn, tường cánh và mái thượng lưu bị lão hóa, xuống cấp, có nơi đã gãy sập. Vào vụ Hè Thu hàng năm (từ đầu tháng 5 đến hết tháng 8), mực nước phía thượng lưu đập xuống thấp, mực nước phía hạ lưu đập dâng cao do triều cường (chênh lệch cột nước thượng, hạ lưu khoảng 1,5m) mặn xâm nhập vào nội đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là không đảm bảo nguồn nước ngọt cho nhà máy nước Tân Lương hoạt động cấp nước cho TP Đông Hà.

Cũng qua thời gian khai thác hơn 30 năm, công trình đập ngăn mặn Châu Thị (huyện Vĩnh Linh) được đầu tư xây dựng năm 1989, có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt tạo nguồn cấp nước tưới cho 135 ha đất sản xuất nông nghiệp của 3 xã Vĩnh Long, Vĩnh Chấp, Trung Nam và Thị trấn Hồ Xá cũng xuống cấp. Cụ thể, qua kiểm tra, ghi nhận đập đất bị sạt, trượt mái, phần ngưỡng tràn bị bong tróc phần bê tông, các phai giữ nước bằng bê tông cốt thép đã lão hóa, mục bể, xuống cấp gây rò rỉ nước, không giữ và trữ đủ nguồn nước để bơm tưới phục vụ sản xuất.

Đối với công trình hồ chứa nước Phú Dụng, được xây dựng năm 1978 và được nâng cấp năm 2009, có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 44,2 ha đất nông nghiệp của xã Gio Sơn (H.Gio Linh) đã xảy ra hiện tượng thấm qua thân đập trước đây nhưng ở mức cho phép. Năm 2024, hiện tượng thấm đập chính có xu hướng phát triển mạnh thêm, gây sạt trượt mái đập nếu không được xử lý kịp thời cũng như nguy cơ cao gây mất an toàn công trình.

Trước tình hình này, ngay trong đầu tháng 10-2024, Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị, đề nghị UBND tỉnh quan tâm, bố trí kinh phí để khắc phục khẩn cấp công trình đập ngăn mặn Vĩnh Phước với kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng và 1,7 tỷ đồng đối với đập ngăn mặn Châu Thị. Đối với tràn xả lũ Trúc Kinh, Sở NN và PTNT đề nghị UBND tỉnh quan tâm, đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn của tỉnh và bố trí kinh phí thực hiện trong năm 2026 với tổng chi phí hơn 14,9 tỷ đồng. Riêng với công trình hồ chứa nước Phú Dụng, Sở NN và PTNT đã đưa vào danh mục đầu tư công do Bộ NN và PTNT thực hiện giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn công trình này, đề nghị UBND tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn (nguồn ngân sách tỉnh, nguồn khắc phục hậu quả thiên tai và các nguồn vốn khác) để khắc phục sửa chữa trong năm 2025.

Bảo Hà

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nhieu-cong-trinh-thuy-loi-o-quang-tri-can-sua-chua-khan-cap-post302466.html