Nhiều công trình thủy lợi xuống cấp do thiên tai, thời tiết cực đoan

Trước thực trạng nhiều công trình thủy lợi xuống cấp, Thừa Thiên Huế kiến nghị hỗ trợ ngân sách để đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhằm đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.

Tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 1.000 công trình thủy lợi là các hồ chứa nước, đập dâng, trạm bơm, cống, nhiều km kênh mương, đê biển và kè bảo vệ bờ sông để phục vụ tưới, tiêu cho hơn 60.000 hécta/năm. Trong đó, có 56 hồ chứa thủy lợi gồm 1 hồ chứa nước quan trọng đặc biệt, 8 hồ chứa nước loại lớn, 17 hồ chứa nước loại vừa, 30 hồ chứa nước loại nhỏ.

Ngoài hồ chứa Tả Trạch là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 5 quản lý, các công trình còn lại do Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình Thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) và UBND cấp huyện quản lý, vận hành, khai thác.

Hồ Khe Ngang đóng vai quan trọng trong việc cung cấp nước tưới tiêu cho hơn 600 hécta cây trồng thuộc địa bàn thị xã Hương Trà và TP Huế.

Hồ Khe Ngang đóng vai quan trọng trong việc cung cấp nước tưới tiêu cho hơn 600 hécta cây trồng thuộc địa bàn thị xã Hương Trà và TP Huế.

Qua kiểm tra hiện trạng an toàn công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ, số lượng đập, hồ chứa nước bị sự cố do mưa, lũ lớn gây ra gồm 2 hồ (hồ Thôn 1 và hồ Nam Giản). Công ty Thủy lợi bố trí vật tư, phương tiện khắc phục các hư hỏng, tại thời điểm kiểm tra 2 hồ chứa này vẫn đang tích nước đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, có 10 hồ có đập nước bị thấm và biến dạng mái đập như hồ Bến Ván 1, Bến Ván 2, Mỹ Xuyên, Nam Giản, Khe Nước, tuy nhiên các hồ hiện vẫn tích nước, đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, có 7 hồ có tràn bị nứt và 17 hồ xói lở thân tràn, đuôi tràn, tiêu năng, đặc biệt có đuôi tràn hồ chứa nước Thủy Yên có khả năng bị mở rộng hố xói. Hồ Khe Ngang có đường quản lý vận hành bị xuống cấp. Hồ Truồi có đường cứu hộ dọc theo kênh chính lên đầu mối chưa được bê tông hóa hoàn thiện.

Ông Đặng Văn Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh do Công ty thủy lợi và các tổ chức Hợp tác xã quản lý, vận hành.

Tuy nhiên, đội ngũ quản lý, vận hành thuộc các Hợp tác xã hầu hết chưa qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng năng lực liên quan. Các công trình hầu hết được đầu tư từ rất lâu, dẫn đến khó khăn trong việc định giá tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng cho rằng các công trình thủy lợi hầu hết được đầu tư từ rất lâu, chịu ảnh hưởng của nhiều đợt thiên tai và thời tiết cực đoan nên đa số bị xuống cấp, hư hỏng.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng cho rằng các công trình thủy lợi hầu hết được đầu tư từ rất lâu, chịu ảnh hưởng của nhiều đợt thiên tai và thời tiết cực đoan nên đa số bị xuống cấp, hư hỏng.

Theo ông Hòa, nhìn chung các công trình thủy lợi qua kiểm tra bằng trực quan chưa phát hiện sự cố lớn và vẫn đang hoạt động bình thường. Quá trình vận hành thử các cống lấy nước, máy phát điện dự phòng, hệ thống nâng hạ cửa van, các hạng mục đầu mối chưa phát hiện sự cố lớn.

"Tuy nhiên, do các công trình thủy lợi hầu hết được đầu tư từ rất lâu, chịu ảnh hưởng của nhiều đợt thiên tai và thời tiết cực đoan nên đa số bị xuống cấp, hư hỏng, một số công trình hiện tượng thấm và hư hỏng nhỏ gây ảnh hưởng đến việc cấp nước phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp", ông Hòa cho hay.

Theo Sở Nông nghiệp và Nông thôn (NN&PTNN) tỉnh Thừa Thiên Huế, việc quản lý, khai thác công trình thủy lợi đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thiên tai xảy ra bất thường với tần suất, cường độ ngày càng gia tăng... tác động lớn tới công trình và công tác quản lý, vận hành.

Ngoài ra, các quy định pháp luật đan xen, chưa phù hợp với ngành. Kinh phí cấp không đảm bảo để thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình quy định tại Luật Thủy lợi.

Trước đó, Báo Sức khỏe & Đời sống phản ảnh việc người dân tự ý san ủi đất mở đường khiến hồ thủy lợi Khe Ngang bị đe dọa.

Trước đó, Báo Sức khỏe & Đời sống phản ảnh việc người dân tự ý san ủi đất mở đường khiến hồ thủy lợi Khe Ngang bị đe dọa.

Trước thực trạng này, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị Cục Thủy lợi tham mưu rà soát, lập hồ sơ đề xuất, sửa đổi Luật Thủy lợi, đồng thời, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy khai thác đa mục tiêu, đa giá trị công trình thủy lợi.

"Đặc biệt, kiến nghị hỗ trợ ngân sách để thực hiện các dự án nâng cao an toàn đập, hồ chứa nước còn lại trên địa bàn, đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh để đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh", Sở NN&PTNT cho biết.

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-cong-trinh-thuy-loi-xuong-cap-do-thien-tai-thoi-tiet-cuc-doan-169240802061736752.htm