Nhiều công trình thủy lợi xuống cấp: Nguy cơ mất an toàn

Nhiều công trình thủy lợi (CTTL) trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa, xây dựng kiên cố, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ.

Bất an trước mùa mưa lũ

Công ty TNHH Một thành viên Khai thác CTTL Quảng Ngãi hiện đang quản lý, khai thác nhiều CTTL lớn, gồm 60 hồ chứa nước, đập dâng, đập ngăn mặn và trạm bơm; 674km kênh tưới, tiêu và hơn 5.000 công trình trên kênh, đảm bảo tưới cho trên 46 nghìn héc ta/năm. Tuy nhiên, hiện có 25 CTTL, kênh mương lớn do đơn vị quản lý bị hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc cung cấp và dẫn nước phục vụ các ngành sản xuất, cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.

Điển hình như hồ chứa nước Vực Thành, ở xã Đông Trà Bồng bị sạt lở, bồi lắng, tắt rãnh tiêu thoát nước mái hạ lưu, gây mất an toàn đối với người dân vùng hạ lưu. Còn kênh và cống tiêu NVC16, đoạn qua xã Nghĩa Giang và đường dẫn nối đập Ba La đến Điện An, xã Tư Nghĩa bị sạt, gãy và xói lở nghiêm trọng, không đảm bảo năng lực tưới tiêu, mất an toàn trong mùa mưa lũ.

Sau gần 20 năm xây dựng, đập Hiền Lương, ở xã An Phú bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là những vị trí, hạng mục dưới nước, gây mất an toàn công trình.

Sau gần 20 năm xây dựng, đập Hiền Lương, ở xã An Phú bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là những vị trí, hạng mục dưới nước, gây mất an toàn công trình.

Nghiêm trọng nhất là đập ngăn mặn giữ ngọt Khê Hòa, ở 2 xã Tịnh Khê, Đông Sơn và đập Hiền Lương, ở xã An Phú. Theo phản ánh của chính quyền địa phương và người dân, 2 đập này đã hư hỏng xuống cấp từ nhiều năm nay; vai hữu và mái bê tông bị sập, nhiều vị trí bị xói lở, xâm thực. Vì vậy, công trình không đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt cho người dân các xã Tịnh Khê, Đông Sơn và An Phú. Ông Nguyễn Văn Hồng, ở xã An Phú bày tỏ, đập Hiền Lương sau gần 20 năm xây dựng đã hư hỏng nặng. Người và phương tiện lưu thông qua lại trên cầu bất an, nhất là vào mùa mưa lũ. Mong công trình sớm được sửa chữa, xây dựng để phục vụ sản xuất, đời sống người dân.

Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Môi trường), nhiều CTTL trên địa bàn tỉnh được xây dựng đã lâu, thậm chí từ những năm 1980 . Thiết kế theo tiêu chuẩn cũ đến nay không còn phù hợp, lại trải qua nhiều năm sử dụng, khai thác nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Dưới tác động của thời tiết cực đoan, đặc biệt là tình hình mưa lũ ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn công trình, đe dọa tính mạng và đời sống của nhân dân. Nhất là kênh chính nam sông Vệ thuộc hệ thống thủy lợi Thạch Nham; kênh chính Hóc Xoài, xã Trà Giang; kênh B3-2, B4-2; kênh chính Núi Ngang, kênh chính An Thọ...

Phòng ngừa, ứng phó sự cố

Để phát huy hiệu quả cũng như đảm bảo an toàn công trình, chính quyền địa phương và các công ty, đơn vị quản lý, khai thác vận hành CTTL thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và khắc phục những hư hỏng nhỏ, xử lý gia cố mái bờ kênh, nạo vét lòng kênh bị bồi lấp. Đồng thời, huy động người dân, các lực lượng trục vớt vật cản tại các cống tiêu, đập ngăn mặn, đập dâng... để khơi thông dòng chảy, dẫn nước phục vụ sản xuất và giúp tiêu thoát lũ, đảm bảo an toàn công trình.

Khó khăn về kinh phí

Lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác CTTL Quảng Ngãi thông tin, do nguồn thu của công ty chủ yếu từ hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi nên kinh phí chỉ đảm bảo cho việc duy tu bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ. Trong khi đó, nhu cầu về kinh phí để sửa chữa, nâng cấp công trình rất lớn (trên 130 tỷ đồng) , nên cần có sự đầu tư từ ngân sách nhà nước. Trước mắt, công ty cần kinh phí trên 10 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa các CTTL, kênh mương, đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ năm 2025. Về lâu dài, cần đẩy mạnh huy động các nguồn lực để xây dựng, quản lý và khai thác CTTL, nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, phát huy hiệu quả công trình.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác CTTL Quảng Ngãi, để đảm bảo an toàn cho các CTTL trong mùa mưa lũ năm 2025, công ty đã chủ động lập, phê duyệt và phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai phương án phòng, chống thiên tai tại các công trình. Bên cạnh đó, công ty thường xuyên thực hiện công tác quan trắc, theo dõi nguồn nước tại các công trình, cập nhật thông tin dự báo thời tiết, để kịp thời chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện.

“Riêng các CTTL có quy trình vận hành liên hồ chứa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì đơn vị quản lý phải bám sát quy trình và tình hình thực tế để thực hiện việc điều tiết nước phù hợp. Khi có mưa lũ, công ty chỉ đạo các đơn vị bố trí người lao động thường xuyên túc trực tại công trình. Đặc biệt, đối với các công trình có tràn xả sâu, các công trình xung yếu, bố trí người lao động túc trực 24/24 giờ để kịp thời phát hiện các sự cố đề xuất phương án xử lý”, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác CTTL Quảng Ngãi Hà Thế Vinh khẳng định.

Bài, ảnh: THANH PHONG

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/nhieu-cong-trinh-thuy-loi-xuong-cap-nguy-co-mat-an-toan-54200.htm