Nhiều công ty Đức xem xét rút kinh doanh khỏi Trung Quốc
Theo một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc, tỷ lệ các công ty Đức rời khỏi thị trường Trung Quốc hoặc cân nhắc rút lui đã tăng hơn gấp đôi lên 9% trong 4 năm qua.
Cuộc khảo sát nêu bật những thách thức mà các công ty Đức hoạt động tại Trung Quốc phải đối mặt, bao gồm sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các công ty địa phương, khả năng tiếp cận thị trường không bình đẳng, những khó khăn kinh tế và rủi ro địa chính trị.
Ulf Reinhardt, Chủ tịch phòng Thương mại Đức phía nam Trung Quốc cho biết: “Năm ngoái là một thử thách thực tế đối với các công ty Đức hoạt động tại Trung Quốc”.
Khoảng 2% trong số 566 công ty được khảo sát từ ngày 5 tháng 9 đến ngày 6 tháng 10 cho biết họ đang bán bớt hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc trong khi 7% cho biết họ đang cân nhắc việc làm như vậy. Con số này cao hơn so với tổng số 4% rời khỏi Trung Quốc hoặc đang xem xét thực hiện vào năm 2020.
Hơn nữa, 44% đã thực hiện các bước để giải quyết rủi ro liên quan đến hoạt động kinh doanh ở Bắc Kinh - bao gồm cả việc xây dựng chuỗi cung ứng độc lập với Trung Quốc.
Các nước phương Tây khác cũng đang thúc đẩy giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh lo ngại về thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc đối với Đài Loan (Trung Quốc) và ở Biển Đông, cũng như sự siết chặt của nước này đối với nền kinh tế trong nước.
Khoảng 86% công ty Đức cho biết trong cuộc khảo sát hôm thứ Ba rằng nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với quỹ đạo đi xuống, mặc dù hầu hết đều cho rằng đây chỉ là tạm thời và dự đoán sẽ phục hồi trong vòng 1-3 năm tới.
Kinh tế Trung Quốc từng phát triển rất mạnh, mang lại kỳ vọng lớn đó là đưa Bắc Kinh trở thành cường quốc hàng đầu thế giới, nhưng "phép màu" đang suy giảm hiệu quả nghiêm trọng.
Sự phục hồi của Trung Quốc sau đại dịch đã tỏ ra yếu kém hơn nhiều người dự đoán, với cuộc khủng hoảng tài sản ngày càng sâu sắc, rủi ro giảm phát gia tăng và nhu cầu ảm đạm đã khiến triển vọng năm nay trở nên u ám.
Khoảng 54% các công ty Đức được khảo sát cho biết họ vẫn có kế hoạch tăng đầu tư để duy trì tính cạnh tranh.
Điệp Nguyễn (Theo CNA)