Nhiều công ty lớn tại Mỹ yêu cầu nhân viên tiêm chủng trước khi trở lại làm việc

Tác dụng của vaccine trong việc giảm các ca bệnh nặng và tử vong vì COVID-19 đã được chứng minh, do vậy, ngày càng có nhiều công ty lớn tại Mỹ yêu cầu nhân viên tiêm chủng, lùi thời gian quay lại làm việc trực tiếp.

Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Hartford, Connecticut, Mỹ. Ảnh: AFP

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 7/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 202.324.526 ca, trong đó có 4.289.119 người tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 662.241 trường hợp mắc COVID-19 và 9.620 ca tử vong.

Châu Á là khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhiều nhất, khi trên toàn châu lục đã ghi nhận 63.568.749 ca COVID-19. Châu Âu ít hơn 10 triệu ca, hiện đang có 52.142.951 ca. Con số này ở Bắc Mỹ là 43.324.436 ca trong khi của Nam Mỹ là 35.811.850 ca. Tuy nhiên, nếu xét theo số ca tử vong, châu Âu ghi nhận nhiều nhất với 1.139.862 ca, tiếp đến là Nam Mỹ hiện đã hơn 1 triệu ca, sau đó là Bắc Mỹ với 946.849 ca và châu Á với 922.464 ca.

Trong một kết quả một nghiên cứu và khảo sát công bố ngày 4/8 do Đại học Hoàng gia London và công ty nghiên cứu thị trường Ipsos MORI thực hiện, các nhà khoa học đã phát hiện cứ 160 người thì có 1 người nhiễm virus SARS-CoV-2, với tỷ lệ mắc ở những người chưa tiêm vaccine là 1,2% trong khi tỷ lệ này ở những người đã tiêm đủ liều vaccine là 0,4%. Lượng virus ở bệnh nhân COVID-19 cũng thấp hơn ở những người đã tiêm vaccine. Nghiên cứu cũng nhận thấy những người đã tiêm đủ liều 2 mũi vaccine ít có nguy cơ truyền virus sang những người khác hơn những người chưa tiêm vaccine.

Tác dụng của vaccine trong việc giảm các ca bệnh nặng và tử vong vì COVID-19 là không thể bàn cãi. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều công ty lớn yêu cầu nhân viên tiêm chủng, lùi thời gian quay lại làm việc trực tiếp.

Microsoft đã yêu cầu toàn bộ nhân viên của hãng phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước khi trở lại làm việc. Theo kế hoạch, Microsoft sẽ mở cửa trở lại hoàn toàn các cơ sở ở Mỹ sớm nhất là vào ngày 4/10. Do vậy, bắt đầu từ tháng 9, Microsoft sẽ yêu cầu toàn bộ nhân viên văn phòng, nhân viên bán hàng và bất kỳ vị khách nào tới các tòa nhà của Microsoft ở Mỹ phải có giấy chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Trong khi đó, tập đoàn thương mại điện tử Amazon xác nhận đang hoãn cho nhân viên trở lại văn phòng làm việc cho đến tháng 1/2022 thay vì vào tháng 9/2021 như kế hoạch ban đầu. Amazon cũng yêu cầu toàn bộ nhân viên phải đeo khẩu trang khi làm việc ở văn phòng, trừ những người đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19.

Tuần trước, hãng Google và Facebook cũng đã yêu cầu nhân viên phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước khi quay lại văn phòng làm việc. Nhiều công ty hoạt động trong ngành tài chính ở Mỹ lùi thời gian cho nhân viên trở lại làm việc, trong đó có tập đoàn quản lý đầu tư Black Rock, ngân hàng Wells Fargo và Ngân hàng Mỹ... trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 gia tăng trở lại ở Mỹ do sự lây lan của biến thể Delta.

Ngày 6/8, United Airlines đã trở thành hãng hàng không đầu tiên của Mỹ yêu cầu tất cả nhân viên trong nước phải tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Hãng United Airlines nêu rõ các nhân viên sẽ cần trình giấy chứng nhận tiêm vaccine, 5 tuần sau khi Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ phê duyệt hoàn toàn vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer, Moderna hoặc Johnson & Johnson trước ngày 25/10 tới. Những nhân viên đã được tiêm vaccine trước ngày 20/9 sẽ nhận được thêm một ngày lương.

Mới đây nhất, hãng tin CNN của Mỹ đã sa thải 3 nhân viên vì vi phạm quy tắc an toàn chống dịch COVID-19 khi đến văn phòng làm việc mà chưa tiêm chủng vaccine.

Chủ tịch CNN Jeff Zucker cho hay, CNN có chính sách không khoan nhượng về vấn đề này. Ông nhấn mạnh việc tiêm chủng là yêu cầu bắt buộc đối với các phóng viên đưa tin tại hiện trường, làm việc cùng các nhân viên khác hoặc đến văn phòng. Chủ tịch CNN cũng cho biết hãng truyền thông này đã quyết định lùi kế hoạch cho nhân viên đi làm trở lại hoàn toàn từ ngày 7/9 sang khoảng tháng 10. Hiện chỉ chưa đến 33% nhân viên bộ phận tin tức của CNN tại Mỹ được phép đến văn phòng làm việc.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhieu-cong-ty-lon-tai-my-yeu-cau-nhan-vien-tiem-chung-truoc-khi-tro-lai-lam-viec-post148850.html