Nhiều cửa hàng tại Hà Nội hết xăng dầu: Người dân dồn về các cây xăng của Petrolimex
Sau khi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chính thức bán hàng 24/24 giờ từ ngày 8/11 tại Hà Nội, lượng khách hàng đổ dồn về các cửa hàng trong hệ thống tiếp tục tăng cao trong bối cảnh nhiều cửa hàng bên ngoài đóng cửa hoặc hết xăng.
Khách hàng tăng đột biến
Khảo sát của phóng viên TTXVN tại cây xăng Trần Quang Khải (Hà Nội) vào 22h30 tối qua 8/11, nhân viên bán hàng Petrolimex đã phục vụ liên tục để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Anh Nguyễn Đức Quang ở phố Kim Mã cho biết anh thường đổ xăng vào buổi đêm để đỡ đông người cũng như đỡ hao xăng so với ban ngày khi trời nắng nóng, xăng bốc hơi.
Anh Quang cũng cho biết, dù phải chạy xe từ Kim Mã lên Trần Quang Khải để đổ xăng tại cây Petrolimex nhưng bù lại anh được mua xăng theo đúng nhu cầu và không bị hạn chế số lượng như mua ở nhiều cửa hàng xăng dầu khác tại Hà Nội.
“Tôi đọc thông tin hàng ngày và biết tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, khách hàng có khi phải đi vài ba cây xăng mới có thể mua được nhiên liệu. Thế nên ở Hà Nội người dân vẫn mua được xăng như thế này là cũng may mắn lắm rồi. Tôi nghĩ các cửa hàng xăng dầu của nhà nước đợt này phải bù lỗ thì mới có xăng để bán, chứ các cửa hàng tư nhân họ đóng cửa nhiều.”
Anh Phùng Anh Quân, tài xế của hãng xe công nghệ Be sống ở phố Trần Duy Hưng cho biết định đổ xăng ở đường Láng, Hào Nam và Nam Đồng cho gần nhà nhưng khách xếp hàng quá đông nên tra bản đồ cây xăng Petrolimex trên ứng dụng và tìm các cửa hàng xăng dầu Petrolimex đang mở cửa để tiếp nhiên liệu. Anh Quân cũng cho biết thêm, nếu như trước đây đi mua xăng buổi đêm ở Hà Nội thường rất vắng thì khoảng 10 ngày trở lại đây, các cửa hàng xăng dầu buổi đêm vẫn đông nghịt.
Trong khi đó, Trần Khánh Duy, tài xế của hãng xe công nghệ Grab lại cho biết, nhiều cửa hàng hết xăng nên một tuần vừa rồi anh chuyển sang mua tại cửa hàng của Petrolimex.
Ông Đỗ Hoàng Hà, Giám đốc Xí nghiệp Bán lẻ Xăng dầu Hà Nội, trực thuộc Công ty Xăng dầu khu vực 1 cho biết, sản lượng bình quân ngày 9 tháng của năm 2022 của Xí nghiệp là 1.240 m3/ngày. Tuy nhiên, với lượng khách tăng đột biến tại các cây xăng của Petrolimex ở Hà Nội, riêng tháng 10 bình quân là 1.520 m3/ngày, tương ứng tăng khoảng 22% so với bình quân 9 tháng. Riêng 7 ngày của tháng 11, xí nghiệp đang bán ra 1.726 m3/ngày, tương đương tăng gần 40% so với bình quân 9 tháng.
Nhân viên căng mình phục vụ
Tại cây xăng Petrolimex trên phố Trần Quang Khải, anh Lê Đình Huệ, nhân viên bán hàng cho biết, với lượng khách đổ dồn về cây xăng Petrolimex khi nhiều cây xăng ngoài hệ thống hết hàng hoặc bán hàng nhỏ giọt, mọi nhân viên bán hàng của Petrolimex trong nhiều tuần qua đã phải làm việc liên tục không có ngày nghỉ, thậm chí phải tăng thêm giờ bán hàng để đáp ứng nhu cầu mua nhiên liệu của khách hàng. Cụ thể, trước đây nhân viên cửa hàng làm việc theo bốn ca thì hiện nay phải làm việc theo ba ca do lượng khách đông mà số lượng nhân viên vẫn không thay đổi.
Anh Huệ cũng cho biết, thông thường sản lượng bán ca đêm từ 19-24 giờ chỉ từ 12-13 m3/tấn xăng dầu. Tuy nhiên, một tuần trở lại đây, sản lượng bán này tăng đột biến lên 25 m3/tấn. Do bể chứa xăng dầu của cửa hàng chỉ có hạn, trong khi nhu cầu khách tăng hơn gấp đôi so với trước đây nên cũng có thời điểm anh em bán hàng rất căng thẳng để giải thích cho khách hàng trong khi chờ xe bồn tiếp nhiên liệu thêm.
Theo ông Đỗ Hoàng Hà, với lượng khách hàng đổ dồn đột biến về các cửa hàng xăng dầu Petrolimex như những tuần qua trong khi xí nghiệp không thể tuyển dụng thêm, nhân viên bán hàng trong toàn hệ thống ở Hà Nội phải căng mình làm việc.
Nếu như trong 9 tháng của năm, năng suất lao động bình quân của nhân viên bán hàng là 52m3/người/tháng, sang tháng 10 là 63m3/người/tháng và với năng suất làm việc như 7 ngày đầu tháng 11 này, dự báo con số này sẽ lên tới 70 m3/người/tháng. Thêm vào đó, trước đây trong một ngày có giờ cao điểm và thấp điểm nên nhân viên bán hàng có thể nghỉ tại chỗ nhưng hiện nay không có giờ thấp điểm nữa, ông Hà chia sẻ.
Đi theo đoàn phóng viên các báo khảo sát thực tế tại nhiều cây xăng Petrolimex ở Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Trần Ngọc Năm cho biết, nhân viên bán hàng Petrolimex đang phải làm việc với cường độ rất cao mới đáp ứng được nhu cầu mua xăng của khách hàng. Chính vì vậy, lãnh đạo tập đoàn, công đoàn Petrolimex đã kịp thời tổ chức đoàn công tác đi thăm hỏi động viên tinh thần người lao động để tiếp tục bám trụ ở cây xăng phục vụ khách hàng tốt nhất.
Đảm bảo phục vụ nhu cầu xăng dầu
Giám đốc Xí nghiệp Bán lẻ Xăng dầu Hà Nội cho biết, tại nội đô Hà Nội, Xí nghiệp gặp nhiều khó khăn do các cửa hàng xăng dầu chủ yếu đã xây dựng từ những năm 1990, diện tích nhỏ nên hệ thống bể chứa xăng dầu có hạn chỉ từ 10-15 m3. Trong khi đó, theo quy định trước đây, xe bồn chở nhiên liệu chỉ được vào thành phố sau 9 giờ tối nên khi nhu cầu tăng đột biến như thời gian qua, Xí nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu tăng cao. Tuy nhiên, đến ngày 7/11, sau khi Petrolimex có kiến nghị UBND thành phố Hà Nội, 30 xe bồn chở nhiên liệu của Petrolimex đã được vào nội đô tiếp xăng cho các cửa hàng cả ban ngày.
Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Trần Ngọc Năm cho biết, là doanh nghiệp nhà nước có kinh nghiệm kinh doanh xăng dầu lâu đời và chiếm thị phần lớn nhất ở trong nước, Petrolimex luôn dự tính được tổng nguồn xăng dầu cần thiết và không “quá khó khăn như các nước khác. Vấn đề có lúc nọ lúc kia chỉ do điều phối thị trường”. Ngoài ra, yếu tố tâm lý khách hàng quá lo lắng về việc khan hàng hay tăng giá khi đọc các thông tin xăng dầu trên mạng xã hội cũng là một nguyên nhân khiến nhiều cây xăng bị quá tải như những ngày vừa qua.
Thực tế là, khách hàng vào mua xăng trước kia thường mua theo số tiền, tuy nhiên hiện nay gần như toàn bộ khách hàng vào tiếp nhiên liệu đều yêu cầu đổ đầy bình. Thêm vào đó, nhiều khách hàng vẫn có thói quen tiện giờ đi làm thì đổ xăng nên trong tình hình như hiện nay, đây là các yếu tố cũng góp phần khiến việc đổ xăng phải mất nhiều thời gian. Với quyết định bán xăng 24/24 giờ trong 1 tuần liên tục, Petrolimex muốn chuyển thông điệp “khách hàng cần xăng dầu hãy đến với cửa hàng của Petrolimex” cũng như muốn dần thay đổi thói quen về giờ tiếp nhiên liệu của khách hàng, ông Năm cho hay.
Cũng theo ông Năm, tại thời điểm hiện nay, mặc dù phụ phí đưa xăng dầu về Việt Nam chưa được tính đúng tính đủ vào giá thành sản phẩm nhưng với trách nhiệm là doanh nghiệp nhà nước lớn nhất tại thị trường Việt Nam, Petrolimex đặt mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng lên đầu tiên. Vì vậy dù kinh doanh không hiệu quả tại thời điểm này nhưng Petrolimex vẫn cam kết đảm bảo nguồn hàng với đầy đủ cơ cấu sản phẩm theo phân giao sản lượng của Bộ Công Thương. Để không xảy ra tình trạng “thiếu xăng có dầu hoặc ngược lại”, Petrolimex tăng cường điều phối nguồn hàng, nhập hàng đầy đủ theo đúng tiến độ thời gian, sản lượng cam kết. Tập đoàn cũng đã làm việc với các đối tác nước ngoài và hai nhà máy lọc dầu trong nước để chuẩn bị nguồn hàng cho đến hết tháng 1/2023 với dự báo nhu cầu tiếp tục tăng trong dịp lễ tết.
Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên thị trường, cơ quan quản lý nhà nước cần giám sát chặt sản lượng tạo nguồn, cơ cấu chủng loại sản phẩm theo đúng tiến độ thời gian mà các thương nhân đầu mối phải thực hiện theo kế hoạch phân giao của Bộ Công Thương. Trong quý IV này, Bộ Công Thương đã phân giao cho toàn bộ 33 đầu mối kinh doanh xăng dầu sản lượng tạo nguồn. Đây là điểm khác biệt so với kế hoạch phân giao trong quý III/2022, ông Năm chia sẻ.
Ông Năm cũng cho biết, hiện Chính phủ đã chỉ đạo các bộ chức năng tính đúng, tính đủ các phụ phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước đến các hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu. Với các chỉ đạo chính sách như vậy, nguồn cung xăng dầu trên thị trường sẽ được cải thiện trong thời gian tới.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, quý III/2022 (đến 20/9/2022), sản lượng nhập khẩu giảm khoảng 40% đối với xăng, giảm khoảng 35% đối với dầu DO, so với Quý II/2022. Đáng chú ý, chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu về Việt Nam. Có thương nhân đầu mối thường nhập khẩu với số lượng lớn, nhưng không thực hiện nhập khẩu vào quý III/2022 như: Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa.