Nhiều cửa hàng xăng dầu ở Tiền Giang vẫn phải đóng cửa vì thiếu xăng dầu
Đa số các cửa hàng, đại lý xăng dầu hết hàng là do DN phân phối chậm giao hàng; kinh doanh không có lãi nên không mặn mà trong khâu tiếp tế nguồn cung…
Hiện nay, nhiều cửa hàng, đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tạm đóng cửa, gây khó khăn đối với người dân và DN trong việc cần nguồn nhiên liệu phục vụ phương tiện giao thông và sản xuất. Trong khi đó, ông ty xăng dầu Tiền Giang bị áp lực phải tăng tốc đảm bảo nguồn cung.
Ông Đào Văn Hoàng, 1 tài xế ở xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết, mấy ngày gần đây, hầu hết các cửa hàng bán xăng dầu dọc theo tỉnh lộ 864, địa bàn xã Bình Đức, Song Thuận, Kim Sơn (huyện Châu Thành) thường xuyên hụt nguồn xăng. Ngày 15/11, khi ô tô hết xăng, ông phải xuống thành phố Mỹ Tho mua xăng về đổ cho phương tiện.
“Cửa hàng xăng dầu Thuận Tiến hôm 15/11 nghỉ nên rất bất lợi cho người dân. Xe nhà hết xăng phải đi kêu người đi đến cửa hàng của Petrolimex TP Mỹ Tho mua xăng đem về đổ. Nhiều khi bất chợt đang chạy xe trên đường bị hết xăng, ghé vào cây xăng để đổ nhưng cũng không được đổ. Từ xã Kim Sơn đến Mỹ Tho có 4 cửa hàng nhưng chỉ cửa hàng của Petrolimex có xăng, còn lại đóng cửa hết. Ghé cửa hàng nào cũng chỉ thấy nói hết xăng còn dầu”, ông Hoàng ý kiến.
Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện nay có hàng chục cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa; trong đó tại huyện Chợ Gạo có đến 30 cửa hàng tạm ngưng hoạt động. Theo phản ánh, đa số các cửa hàng, đại lý xăng dầu hết hàng là do DN phân phối chậm giao hàng; kinh doanh không có lãi nên các DN không mặn mà trong khâu tiếp tế nguồn cung, khiến một số cửa hàng chỉ bán cầm chừng.
Nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa hoặc hết xăng nên dồn khách hàng qua các cửa hàng, đại lý của công ty xăng dầu Tiền Giang. Sức bán ra của Petrolimex Tiền Giang tăng gần 40% so với kế hoạch. Hệ thống 50 cửa hàng xăng dầu trực thuộc Petrolimex Tiền Giang đã cung cấp xăng dầu đầy đủ, kịp thời cho các nhu cầu tiêu dùng, sản xuất của người dân; gia tăng thời gian bán hàng, không hạn chế số tiền cho mỗi lần mua hàng góp phần ổn định thị trường xăng dầu.
“Thực hiện theo chỉ đạo của các cơ quan nhà nước, DN phải đảm bảo nguồn cung và gia tăng lượng cung. Về tổng thể, DN đã tăng khoảng 37% lượng cung xăng so với kế hoạch, riêng mặt hàng xăng tăng 54%. Thời gian qua DN chịu nhiều áp lực do phải gồng gánh cho các đầu mối khác, nhưng cảm thấy rất vui vì cơ bản thị trường ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bà con”, ông Lê Tấn Tài, Phó Giám đốc Petrolimex Tiền Giang chia sẻ.
Trước những khó khăn của thị trường xăng dầu, các ngành chức năng địa phương và các Bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục có những giải pháp căn cơ, tháo gỡ các vướng mắc tạo điều kiện cho DN kinh doanh mặt hàng này để duy trì hoạt động kinh doanh./.