Nhiều 'cửa sáng' cho xuất khẩu gạo Việt Nam
Năm 2024 thế giới dự báo sẽ thiếu khoảng 5 triệu tấn lương thực do nguồn cung hạn chế. Đây là cơ hội để Việt Nam gia tăng xuất khẩu gạo. Trong bối cảnh này, Chính phủ vừa có Chỉ thị 10/CT-TTg về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới.
Nguồn cung khan hiếm và cơ hội cho Việt Nam
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, năm 2024 nguồn cung gạo toàn cầu được dự báo sẽ không còn dồi dào khi nguồn cung chính chiếm tới 40% sản lượng toàn cầu là từ Ấn Độ sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước, chỉ còn 132 triệu tấn. Các thị trường khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia… cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.
Nhìn nhận về tình hình thị trường gạo trong những tháng đầu năm 2024, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Vũ Bá Phú cho biết, thị trường gạo thế giới tiếp tục chịu tác động bởi nhiều yếu tố như lệnh cấm xuất khẩu tại một số quốc gia. Nếu tận dụng tốt lợi thế, giá trị hạt gạo Việt Nam sẽ đạt được kết quả tốt như năm 2023 vừa qua.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, xuất khẩu gạo năm 2024 dự báo tiếp tục sôi động khi nhu cầu của các thị trường tiêu thụ lớn khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Malaysia, Trung Quốc và châu Phi tăng cao, do lo ngại thời tiết nắng nóng El Nino sẽ kéo dài đến giữa năm 2024. Giá nội địa cũng dự báo tiếp tục ổn định ở mức cao và duy trì xu hướng đi lên. Do đó, kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2024 khoảng 6,5 triệu tấn.
Năm 2024, có nhiều "cửa sáng" cho xuất khẩu gạo Việt Nam khi có Trung Quốc và Indonesia gia tăng nhập khẩu gạo, Ấn Độ duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo.
Dữ liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính từ đầu năm đến ngày 15/2/2024, xuất khẩu gạo đạt 663,2 nghìn tấn, thu về gần 466,6 triệu USD, tăng lần lượt 14,4% và 53,1% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lương thực miền Bắc cũng thông báo tin vui, tháng 1 vừa qua, Việt Nam tham gia đấu thầu ở Indonesia với số lượng rất lớn, tổng số lượng mời thầu là 500.000 tấn nhưng các nhà xuất khẩu Việt Nam đã trúng đến gần 400.000 tấn với giá cao.
Đảm bảo cân đối với nhu cầu tiêu thụ nội địa
" style title="Nhiều " cửa sáng" cho xuất khẩu gạo việt nam">
Bình luận về tình hình thị trường lúa gạo năm 2024, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho hay, dự kiến sản lượng lúa gạo cả nước năm 2024 sẽ duy trì ở mức tương đương năm 2023 trong điều kiện thời tiết lạc quan. Tuy nhiên, khối lượng tồn kho gạo sang năm 2024 giảm mạnh do đó cần cân đối chặt chẽ sản lượng lúa thu hoạch các vụ, với nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Triển vọng xuất khẩu gạo năm 2024 tiếp tục khả quan khi các thị trường lớn cho thấy nhiều tín hiệu tăng nhập khẩu. Mặc dù vậy, các địa phương, doanh nghiệp vẫn bày tỏ lo lắng về thông tin thị trường, làm sao bám sát để tận dụng tốt thời cơ.
Ở góc độ địa phương, ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ cho biết, hiện có một số doanh nghiệp chào giá thấp hơn thị trường, đơn cử một doanh nghiệp thì chào 900 USD/tấn nhưng cũng chủng loại gạo đó, một doanh nghiệp khác lại chỉ chào 800 USD, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Ông Hà Vũ Sơn kiến nghị Bộ Công thương quan tâm đến việc thông tin kịp thời thị trường quốc tế đến doanh nghiệp, đồng thời hoàn thiện khu pháp lý trong kinh doanh gạo được đồng bộ, minh bạch như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện sản lượng gạo của Việt Nam chiếm khoảng 15% - 18% tổng lượng xuất khẩu gạo của toàn thế giới. Nhằm tận dụng tốt cơ hội để tiếp tục xuất khẩu gạo trong thời gian tới, ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, ngành Công thương sẽ tập trung vào việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 2/3/2024) về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới.
Khẩn trương hoàn thiện khung khổ kinh doanh xuất khẩu gạo
Theo ông Trần Quốc Toản, thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg, Bộ Công thương sẽ khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, công bằng, thuận lợi và đảm bảo lợi ích chính đáng của người nông dân trồng lúa, giữ uy tín cho mặt hàng gạo của Việt Nam. Trong đó, nghiên cứu tinh giản đầu mối xuất khẩu gạo, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh nhưng không quá phân tán, hiệu quả kinh doanh, uy tín của gạo Việt Nam.