Nhiều cuộc đời được hồi sinh nhờ ghép mô, tạng

Năm 2024, tính đến ngày 28/11, đã có 31 ca chết não được gia đình đồng ý hiến tạng. So với những năm trước, đây là con số kỷ lục của Việt Nam.

Một ca lấy – ghép tạng được thực hiện bởi các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BVCC).

Một ca lấy – ghép tạng được thực hiện bởi các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BVCC).

Nhiều cuộc đời được "hồi sinh"

Ngày 7/12, lần đầu tiên, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) thực hiện ca phẫu thuật lấy tạng của người cho chết não và chuyển ghép cho các bệnh nhân. Toàn bộ quá trình được thực hiện chỉ trong hơn 10 tiếng đồng hồ.

Trước đó, nam bệnh nhân 42 tuổi (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị tai nạn ngã cầu thang nghiêm trọng dẫn đến đa chấn thương và chấn thương sọ não nặng.

Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai trước khi chuyển về Bệnh viện Thanh Nhàn để tiếp tục điều trị. Dù được các bác sĩ cấp cứu và thực hiện những biện pháp hồi sức chuyên sâu nhưng tình trạng của bệnh nhân vẫn không khả quan.

Đến sáng 7/12, sau nhiều lần đánh giá lâm sàng và kiểm tra kỹ lưỡng bởi các chuyên gia đầu ngành, bệnh nhân được xác định đã chết não. Trong lúc đối mặt với nỗi đau mất mát, gia đình người nhà bệnh nhân đã đồng ý hiến tạng để cứu sống bệnh nhân khác.

PGS.TS Đào Quang Minh - Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, sau khi hội chẩn, bệnh nhân đã chết não, tình trạng của bệnh nhân khó để hiến tạng.

Vì vậy, kíp hồi sức của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Thanh Nhàn phải phối hợp từng giờ, từng phút, tình trạng có xu hướng tốt lên và có thể lấy được tạng.

Tổ công tác xã hội của 2 bệnh viện đã phối hợp động viên, giải thích cho người nhà bệnh nhân và được sự đồng thuận từ người nhà của bệnh nhân đồng ý hiến tạng. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa để có thể mang lại cuộc sống cho nhiều người.

Vào lúc 6 giờ 30 phút sáng 7/12, ca phẫu thuật lấy tạng được tiến hành tại Bệnh viện Thanh Nhàn, với sự phối hợp chặt chẽ giữa đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện và Trung tâm Ghép tạng (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức).

Ngay sau khi đưa ra khỏi cơ thể bệnh nhân, các tạng hiến được bảo quản với quy trình vô cùng nghiêm ngặt và nhanh chóng vận chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để tiến hành ghép tạng.

4 phòng mổ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cùng lúc tiến hành 1 ca ghép tim, 1 ca ghép gan và 2 ca ghép thận. Đến 16 giờ chiều nay, 4 ca ghép đã được thực hiện thành công.

Trước đó, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) cho biết đã tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân Ng.P.K (18 tuổi, An Giang) trong tình trạng nguy kịch do chấn thương sọ não, giập não, hôn mê sâu.

Dù đã được các bác sĩ tích cực hồi sức cấp cứu nhưng 4 ngày sau, nam thanh niên diễn tiến chết não. Bác sĩ đã gặp gia đình bệnh nhân, giải thích tình trạng bệnh và vận động gia đình suy nghĩ về việc hiến tạng bệnh nhân cứu người.

Trong hoàn cảnh này, gia đình của nam thanh niên đã nén đau thương, đồng ý hiến tạng sau khi chết não.

PGS. TS. Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, đây là trường hợp người chết não đầu tiên hiến tạng tại Bệnh viện Thống Nhất.

Các chuyên gia đã họp liên tục, bất kể ngày đêm, với mục tiêu đánh giá thật chuẩn xác bởi đây là sinh mệnh của người bệnh. Hội đồng đánh giá tình trạng chết não đã hội chẩn 3 lần, xác nhận bệnh nhân đã chết não hoàn toàn.

Chỉ sau một thời gian ngắn, các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất đã phối hợp cùng các chuyên gia của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) tiến hành lấy tạng. Một lễ tri ân trang trọng và chân thành với người hiến tạng diễn ra ngay trước ca phẫu thuật lấy tạng.

Nhận thông tin từ Trung tâm điều phối hiến và ghép tạng quốc gia, hàng trăm nhân viên y tế khắp cả nước đã không ngừng nghỉ, chạy đua, tìm kiếm người nhận tạng phù hợp nhất.

Lực lượng công an, hãng hàng không cũng phối hợp hỗ trợ vận chuyển thành công các tạng hiến để ghép cho 7 người bệnh tại TPHCM, Hà Nội, Thừa Thiên Huế. Đáng chú ý, lá gan được tách làm 2 phần để ghép cho 1 người lớn và một cháu bé 3 tuổi.

Đồng thời, 2 quả thận ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Thống Nhất, 1 quả tim ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức, 2 giác mạc được ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế. Đến hiện tại, 7 người bệnh được ghép đều ổn định và dần phục hồi. Nghĩa cử hiến tạng đã viết tiếp sự sống cho 7 cuộc đời.

Cũng trong khoảng thời gian này, Bệnh viện Quân y 103 tiếp nhận bệnh nhân L. T. T (sinh năm 2000) hôn mê sâu do chấn thương sọ não nặng. Sau 5 ngày nỗ lực cứu chữa, các bác sĩ buộc phải chấp nhận sự thật đau lòng: khả năng của y học không đủ để giữ người bệnh lại với gia đình và cuộc sống.

Với tấm lòng nhân đạo thiện nguyện, đại diện gia đình đã đồng ý hiến mô, tạng của nạn nhân để cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo khác.

Ngay sau khi nhận được thông báo, Hệ thống điều phối của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia được kích hoạt dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Trung tâm, giao việc điều phối mô tạng cho từng thành viên. Phòng Tư vấn và Điều phối thực hiện chạy “nước rút” liên hệ danh sách bệnh nhân chờ ghép theo quy định.

Đồng thời, Bệnh viện Trung ương quân đội (TWQĐ) 108 ngay lập tức cử các chuyên gia hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Quân y 103 để xây dựng kế hoạch lấy-ghép đa mô, tạng bảo đảm an toàn, chặt chẽ, khoa học và tuân thủ đúng các quy định chuyên môn.

Sau hơn 1 tiếng hội chẩn, đoàn chuyên gia Bệnh viện TWQĐ 108 đã gấp rút có mặt tại bệnh viện Quân y 103. Sau lời tri ân và phút kính cẩn nghiêng mình trước người hiến, các kíp gây mê và phẫu thuật đã tiến hành lấy mô, tạng và ghép cho nhiều người bệnh.

Với sự giúp đỡ về nhân lực và các trang thiết bị y tế từ Bệnh viện TWQĐ 108, 2 quả thận đã được kíp phẫu thuật của Bệnh viện Quân y 103 ghép cho hai người bệnh suy thận giai đoạn cuối tại Bệnh viện.

Lá gan được ghép thành công ngay tại Bệnh viện Quân y 103 dưới sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của các chuyên gia Bệnh viện TWQĐ 108.

Trái tim được chuyển kịp thời đến Bệnh viện Trung ương Huế để hồi sinh một người bệnh đang trong tình trạng nguy kịch. Hai lá phổi được điều phối cho Bệnh viện Phổi Trung ương để mang lại sự sống mới cho một người bệnh khác.

Được biết, sau ca ghép đa tạng, các bệnh nhân nhận tạng có những tiến triển tốt. Đối với ghép gan, bệnh nhân tỉnh táo, rút nội khí quản và có thể nói chuyện bình thường ngay sau ca mổ.

Số ca hiến tạng tăng

Ca chết não hiến tạng đầu tiên ở nước ta là vào tháng 5/2010 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức. Từ năm 2010 - 2022, mỗi năm tại nước ta có 10 - 11 ca chết não hiến tạng. Riêng năm 2023, có 14 ca chết não hiến mô, tạng.

Tuy nhiên, 11 tháng năm 2024 có 31 ca chết não hiến mô, tạng. Đây được coi là con số kỷ lục của Việt Nam.

Tính đến tháng 11/2024, sau 32 năm triển khai ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước ghi nhận 186 ca chết não hiến tạng.

PGS. TS. Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, ghép tạng là phương pháp điều trị duy nhất để cứu sống bệnh nhân trong một số trường hợp.

Hiện, nước ta đã thực hiện ghép thành công hầu hết các tạng như các nước phát triển đã thực hiện, gồm: Ghép thận, gan, tim, phổi, tụy và ruột.

Năm 2023, có 1.000 người tại Việt Nam được ghép tạng, đưa nước ta trở thành quốc gia có nhiều người được ghép tạng nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, danh sách những người chờ ghép tạng vẫn còn dài.

Mỗi ngày vẫn có nhiều người bệnh phải qua đời vì không có tạng để ghép. Trong khi đó, số người chết não hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam còn thấp so với các nước trên thế giới.

Vì vậy, theo ông Đồng Văn Hệ, việc vận động hiến mô, tạng là nền tảng của phát triển nguồn hiến mô, tạng từ người cho chết não.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhieu-cuoc-doi-duoc-hoi-sinh-nho-ghep-mo-tang-post711491.html