Nhiều Đại biểu tranh luận về hệ số che phủ rừng
Trong các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, một số đại Quốc hội (ĐBQH) biểu đề cập nguyên nhân thiên tai nặng nề vừa qua do mất rừng.
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, tổng diện tích rừng hiện nay là 14,6 triệu hecta, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu hecta, rừng trồng là 4,3 triệu hecta.
Bộ trưởng so sánh, năm 1990, Việt Nam chỉ có 9 triệu ha rừng, lúc đó hệ số che phủ chỉ 27% mà trong vòng 30 năm, hệ số che phủ đã đạt gần 42% (cao hơn nhiều mức trung bình của thế giới là 29%).
Sau đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai dẫn Báo cáo của Chính phủ, hiện cả nước có 3.400 giấy phép khai thác tài nguyên có tác động đến rừng tự nhiên. Ngoài ra, tình trạng khai thác trái phép cũng xảy ra nhiều trên địa bàn cả nước, xâm hại diện tích rừng tự nhiên.
Đề cập đến hậu quả nặng nề của đợt thiên tai vừa qua, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh: “Trong thiên tai, chúng ta thấy được những lỗ hổng cần kịp thời chỉnh sửa trong chủ trương, chính sách phát triển”.
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) cũng bàn về vấn đề này. Theo ông Hiếu, bão thì năm nào cũng có nhưng tại sao bão năm nay lại cứ nặng nề hơn năm trước, mức nước lụt trên tường nhà mỗi đợt bão về lại ngày càng cao hơn.
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu nói, chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép những đại dự án khởi công ngay lõi rừng.
Ông Hiếu thông tin: Philippines là quốc gia chịu nhiều bão nhất ở Đông Nam Á. Chúng ta học được rất nhiều bài học từ họ. Họ giữ rừng già như giữ con ngươi của mắt mình bởi họ biết đây là thành trì quan trọng nhất để bảo vệ đất nước, con người trước sự giận giữ của thiên nhiên. Cơn bão số 10 đập vào dãy núi và rừng già Philippines đã bị giảm cấp là một ví dụ rất rõ ràng.
Đại biểu Ksor Phước Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai tranh luận: Bộ trưởng NN&PTNN nói con số từ 9tr lên 14 triệu ha là con số đáng phấn khởi, nhưng con số này rất “vô lý” và có điều gì đó “sai sai”.
Bởi ít nhất trong kỳ họp Quốc hội này, mỗi một kỳ họp chúng ta liên tục nghe những dự án, công trình liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trong đó có rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ là rừng tự nhiên.
Đại biểu Ksor Phước Hà dẫn chứng, cây cao su, cà phê, tiêu cũng được tính vào tỷ lệ cây phủ rừng. Nhưng rừng là nơi cây xanh hấp thụ CO2 để thải ra O2, song cây cao su là loại cây ngược lại hút O2 và thải ra CO2, do vậy không có một con gì có thể sống được trong rừng cây cao su.
Cây cao su không chỉ là cây trồng ở các dự án ở Tây Nguyên mà còn ở Tây Bắc. Do vậy, tôi cho rằng Bộ trưởng cần phải nghiên cứu lại, xem các dự án này phải điều chỉnh thế nào với cây gỗ rừng tự nhiên.