Nhiều đại gia công nghệ Trung Quốc gặp nguy
Quy định mới của chính phủ Trung Quốc sẽ hạn chế rất nhiều công ty Internet nước này.
Thời kỳ thống trị Internet Trung Quốc của Alibaba, Tencent có thể sẽ sớm chấm dứt khi những biện pháp hạn chế độc quyền được chính phủ nước này đưa ra.
Theo Bloomberg, Ủy ban Chống độc quyền của Trung Quốc đã đưa ra dự thảo sơ bộ về luật vào ngày 10/11. Trong bộ luật này, các hành vi được coi là chống cạnh tranh như lợi dụng dữ liệu cá nhân của người dùng, thiết lập các liên minh để tiêu diệt các đối thủ cạnh tranh yếu hơn hay bán dưới giá thành sẽ bị phạt nặng.
Ngoài ra, luật mới cũng sẽ hạn chế VIE, cấu trúc liên doanh giúp doanh nghiệp Trung Quốc dễ dàng thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài. Đây cách mà gần như mọi công ty Trung Quốc sử dụng để gọi vốn.
Bộ luật mới này còn hạn chế các công ty nhắm tới khách hàng mục tiêu dựa trên hành vi trực tuyến của họ. Những công ty vi phạm có thể bị buộc chia nhỏ, bán bớt tài sản, công nghệ hoặc mở nền tảng của mình.
Theo Bloomberg, những quy định mới sẽ hạn chế sức mạnh của những ông lớn Internet tại Trung Quốc như Alibaba hay Tencent. Cổ phiếu của 2 công ty này đều giảm 4% trong ngày 10/11 tại sàn chứng khoán Hong Kong. Cổ phiếu JD.com giảm 8,9%, trong khi Meituan giảm tới 12%, mức giảm mạnh nhất từ tháng 11/2018.
"Đây là một bước ngoặt trong việc kiểm soát những nền tảng đã trở nên quá mạnh và chạm tới mọi mặt đời sống", Ma Chen, luật sư chuyên về chống độc quyền tại Bắc Kinh nhận định.
Trung Quốc là nước tiếp theo đưa ra những điều luật hạn chế sức mạnh của các công ty Internet. Người dùng tại đây ngày càng yêu cầu cao hơn về quyền riêng tư, khi các dữ liệu lớn như camera giám sát được các công ty công nghệ tận dụng thoải mái.
Alibaba và Tencent đang thống lĩnh mảng thương mại điện tử, game, đồng thời còn đầu tư vào hàng loạt lĩnh vực khác như giao đồ ăn, gọi xe. Số công ty thành công mà không có 2 ông lớn này đứng sau là rất ít, có thể kể đến ByteDance và NetEase.
Việc hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài cũng khiến giới công nghệ Trung Quốc lo lắng. Để đáp ứng quy định về luật pháp, các công ty Trung Quốc phải tạo ra một công ty liên doanh trong nước, mọi nguồn vốn và quyết định đều phải thông qua công ty này.
Sina là công ty Internet đầu tiên gọi vốn qua hình thức VIE. Tuy nhiên, về mặt pháp lý thì VIE còn nhiều rủi ro, và quy định yêu cầu cấp phép sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các công ty Trung Quốc.
"Luật mới sẽ có ảnh hưởng rất lớn, không chỉ với Alibaba mà còn với mọi công ty gọi vốn qua cấu trúc VIE", ông Ma Chen nhận xét.
Bộ luật về chống độc quyền sẽ được giới thiệu để lấy ý kiến tới ngày 30/11.