Nhiều dân công sở Việt Nam, Thái Lan ăn trưa bằng bim bim, bánh quy

Báo cáo mới cho thấy xu hướng thay bữa chính bằng đồ ăn vặt đang ngày càng gia tăng tại Singapore, Thái Lan và Việt Nam, chủ yếu do áp lực công việc và lịch trình bận rộn.

Suốt hai giờ trên bàn làm việc, tô mì cá viên của Priscilla Lee (32 tuổi) nguội dần rồi bị bỏ vào thùng rác. Công việc bận rộn khiến cô không kịp ăn, dù bữa trưa đã được chuẩn bị sẵn.

Là chuyên viên ngân hàng tại Singapore, cô Lee thường tận dụng giờ nghỉ trưa để tiếp tục công việc, vừa nhập liệu trên laptop vừa gọi điện cho khách hàng. Thay vì dành thời gian cho bữa ăn chính, cô chọn ăn vặt với những món đơn giản có sẵn như hạt khô, khoai tây chiên hay bánh quy.

"Vừa làm việc vừa ăn rất khó. Nếu cố gắng ăn bữa chính, tôi chỉ ăn được vài miếng rồi thôi", cô chia sẻ.

Xu hướng thay thế bữa chính bằng đồ ăn vặt không chỉ là thói quen cá nhân mà ngày càng trở nên phổ biến. Báo cáo của Euromonitor International (Anh) công bố vào tháng 8/2024 cho thấy khoảng 11% người trưởng thành tại Singapore đã chọn đồ ăn vặt thay bữa chính vào năm 2024, tăng so với mức 8% của năm 2023.

Khảo sát được thực hiện với 1.007 người Singapore, trong tổng số 39.235 người tiêu dùng từ 39 quốc gia. Mặc dù báo cáo không đưa ra tần suất cụ thể, đa số người tham gia cho biết họ thay bữa chính bằng đồ ăn vặt khá thường xuyên.

Xu hướng này không chỉ xuất hiện ở Singapore mà còn lan rộng đến nhiều nơi khác. Tỷ lệ người thay bữa chính bằng đồ ăn vặt tại Việt Nam (14%) và Thái Lan (13%) cao hơn, trong khi Hong Kong (Trung Quốc) (10,8%), Anh (13%) và Mỹ (17%) đều ghi nhận mức tăng ít nhất 3 điểm phần trăm so với năm 2023. Ấn Độ hiện đứng đầu với tỷ lệ 18%, CNA đưa tin.

 Chuyên gia nhận thấy thói quen thay thế bữa ăn bằng đồ ăn vặt đặc biệt phổ biến ở nhóm người trẻ, những người hiện nay có lối sống bận rộn hơn trước. Ảnh: Nuria Ling/CNA.

Chuyên gia nhận thấy thói quen thay thế bữa ăn bằng đồ ăn vặt đặc biệt phổ biến ở nhóm người trẻ, những người hiện nay có lối sống bận rộn hơn trước. Ảnh: Nuria Ling/CNA.

Công việc lấn át sức khỏe

CNA TODAY đã phỏng vấn 7 nhân viên văn phòng về thói quen thay thế bữa ăn chính bằng đồ ăn vặt. Họ cho biết nguyên nhân chính là do ưu tiên công việc trong giờ nghỉ trưa.

Lee thừa nhận cô biết ăn vặt thay bữa chính không tốt, nhưng vẫn ưu tiên công việc hơn.

"Ra ngoài ăn trưa sẽ thư giãn hơn, nhưng công việc sẽ dồn lại. Vậy nên tôi thà bỏ bữa để tránh làm ngoài giờ", cô chia sẻ.

Ông Carl Quash III, Trưởng bộ phận thực phẩm đóng gói, đồ ăn vặt và dinh dưỡng tại Euromonitor International, cho biết nhóm tuổi 30-44, độ tuổi chủ yếu của lực lượng lao động, là nhóm có tỷ lệ thay thế bữa ăn bằng đồ ăn vặt cao nhất.

Phó giáo sư Verena Tan, Trưởng chương trình dinh dưỡng và ăn kiêng tại Viện Công nghệ Singapore, cho rằng lịch trình làm việc bận rộn khiến nhiều người không có đủ thời gian chuẩn bị và thưởng thức các bữa ăn đầy đủ. Theo bà, thói quen này đặc biệt phổ biến ở những người trẻ tuổi, đối tượng hiện nay có lối sống và áp lực công việc ngày càng tăng.

"Nghiên cứu chỉ ra rằng thời gian làm việc kéo dài có mối liên hệ với việc gia tăng tần suất mua đồ ăn bên ngoài và giảm tiêu thụ trái cây, rau xanh. Điều này phản ánh sự chuyển hướng sang thực phẩm tiện lợi, kém lành mạnh hơn", bà cho biết.

Bà Soh Wan Keem, chuyên gia dinh dưỡng tại Nutrimaxx Consultancy, cho rằng việc dễ dàng tiếp cận đồ ăn vặt đang dần tác động đến thói quen ăn uống của người dân Singapore. Đặc biệt, hình thức làm việc tại nhà hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho việc ăn vặt trong suốt thời gian làm việc.

Huda Zainal (38 tuổi), một nhân viên bán hàng, chia sẻ rằng cô thường xuyên ăn khoai tây chiên và bánh quy thay bữa sáng vì sự tiện lợi.

"Tôi biết rằng ăn uống lành mạnh hơn và tránh đồ ăn vặt là điều cần thiết, nhưng việc ăn vặt lại dễ dàng hơn nhiều. Chỉ cần có một giỏ đồ ăn vặt sẵn ở nhà, bạn không cần gọi món hay đợi giao hàng", cô cho biết.

 Hình thức làm việc tại nhà thay vì văn phòng đã khiến mọi người dễ dàng tiếp cận đồ ăn vặt hơn. Ảnh: iStock.

Hình thức làm việc tại nhà thay vì văn phòng đã khiến mọi người dễ dàng tiếp cận đồ ăn vặt hơn. Ảnh: iStock.

Một số nhân viên văn phòng cho biết việc thay bữa chính bằng đồ ăn vặt đang dần trở thành thói quen tại nơi làm việc.

Tiara Putri (29 tuổi), quản lý quan hệ khách hàng tại một công ty truyền thông, cho biết cô thường ăn vặt thay cơm ít nhất 3 lần/tuần. Bữa trưa của cô thường dựa vào những món ăn sẵn có trong phòng ăn công ty, từ trái cây, khoai tây chiên đến bánh quy. Cô cũng nhận thấy nhiều đồng nghiệp có thói quen ăn uống tương tự.

Putri cho rằng thói quen này chủ yếu xuất phát từ mong muốn hoàn thành công việc, nhưng cũng chịu ảnh hưởng từ "văn hóa làm việc châu Á", nơi công việc thường được đặt lên hàng đầu và người lao động có xu hướng ngại giao tiếp với cấp trên.

"Khi nhìn xung quanh văn phòng và thấy đồng nghiệp vẫn đang làm việc trong giờ ăn trưa, bạn sẽ khó mà dành cả tiếng đồng hồ để nghỉ ngơi ăn uống. Nếu cả nhóm vẫn ngồi làm, việc rời đi để ăn trưa sẽ trở nên không hợp lý", cô nói.

Khi được hỏi lý do không gọi đồ ăn qua các ứng dụng giao hàng, Putri chia sẻ rằng giá thành sẽ thường cao hơn. Cô cũng kể về lần gần đây nhất đặt đồ ăn trưa, nhưng cuối cùng lại mang về nhà ăn tối vì quá bận rộn để ăn trong giờ làm.

Ông Quash từ Euromonitor International nhận định rằng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cũng là một yếu tố khiến đồ ăn vặt trở nên phổ biến hơn.

"Khoai tây chiên và bánh quy là những lựa chọn phổ biến, nhờ vào giá thành thấp và thành phần chứa chất xơ, protein, rau củ giúp no lâu", ông cho biết.

Đôi khi, đồ ăn vặt trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn so với bữa ăn đầy đủ vì giúp giảm bớt áp lực công việc. Serene Chew (35 tuổi), quản lý cấp cao về truyền thông chiến lược tại một tổ chức tài chính, cho biết việc ăn vặt giúp cô cảm thấy dễ chịu hơn khi căng thẳng công việc gia tăng.

Chew tự nhận mình là một người "nghiện ăn vặt", thường xuyên ăn khoai tây chiên, các loại hạt, chocolate hoặc trái cây tùy theo tâm trạng. Do phải di chuyển nhiều giữa nhà, văn phòng và trường đại học nơi cô đang theo học thạc sĩ, cô chia sẻ rằng rất khó để dành thời gian dừng lại và thưởng thức một bữa ăn trọn vẹn.

Rủi ro sức khỏe từ thói quen không lành mạnh

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng việc thỉnh thoảng thay bữa chính bằng đồ ăn vặt là có thể chấp nhận được, nhưng quan trọng là phải duy trì sự điều độ.

 Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết việc thay thế bữa ăn bằng đồ ăn vặt trong thời gian dài có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tổng thể và làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe. Ảnh: Artem Podrez/Pexels.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết việc thay thế bữa ăn bằng đồ ăn vặt trong thời gian dài có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tổng thể và làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe. Ảnh: Artem Podrez/Pexels.

Tần suất và mức độ ảnh hưởng của thói quen này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như chất lượng đồ ăn vặt, thói quen ăn uống tổng thể, lối sống và mục tiêu sức khỏe của mỗi người, theo lời chuyên gia dinh dưỡng Soh.

Bà cũng cho biết, nếu người tiêu dùng vẫn duy trì chế độ ăn uống cân bằng với các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, thì việc ăn vặt thỉnh thoảng sẽ không gây ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, nếu đồ ăn vặt thay thế bữa chính từ 3-4 lần/tuần, nguy cơ thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu như protein, chất xơ và vitamin sẽ rất cao.

Bà Soh cho biết nhiều loại đồ ăn vặt phổ biến chứa lượng lớn tinh bột tinh chế, chất béo không lành mạnh và đường bổ sung, như bánh ngọt, bánh kem và bánh cà ri. Những thực phẩm này có thể góp phần gây tăng cân, rối loạn đường huyết, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường và tim mạch.

Khi CNA TODAY khảo sát những người có thói quen ăn vặt thay bữa chính, phần lớn cho biết họ không gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ngoài những cơn đau dạ dày thỉnh thoảng, vốn đã trở nên quen thuộc với dân văn phòng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng tác hại của một chế độ ăn uống không khoa học thường không biểu hiện ngay lập tức. Chuyên gia dinh dưỡng Annabelle Johnson cho biết đây là lý do khiến nhiều người không cảm thấy cần thay đổi thói quen ăn uống, mặc dù họ nhận thức được sự cần thiết của việc này.

Bà Johnson giải thích rằng một gói snack có thể không gây ảnh hưởng ngay lập tức, nhưng nếu duy trì thói quen này trong nhiều năm, đặc biệt khi bước vào tuổi trung niên, chế độ ăn uống sẽ có tác động lâu dài đến sức khỏe. Do đó, những lựa chọn ăn uống hàng ngày rất quan trọng.

Bà Johnson nhấn mạnh rằng ngay cả những cơn đau dạ dày - một triệu chứng phổ biến của chế độ ăn uống thiếu lành mạnh và không ăn đủ bữa - cũng không nên xem nhẹ.

"Rất khó xác định liệu nguyên nhân có liên quan đến chế độ ăn uống hay không nếu không có đánh giá y tế, nhưng nếu có biểu hiện bất thường, tốt nhất là nên tìm kiếm sự giúp đỡ. Cơn đau chính là cách cơ thể lên tiếng cầu cứu", chuyên gia khuyến nghị.

Tường Uyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhieu-dan-cong-so-viet-nam-thai-lan-an-trua-bang-bim-bim-banh-quy-post1529404.html