Nhiều dân Mỹ - Ấn Độ cự tuyệt tiêm vaccine COVID-19
Thái độ 'cự tuyệt' vaccine của người dân nhiều khu vực đang đe dọa nỗ lực tiêm chủng của Ấn Độ và Mỹ.
Tại Jamsoti - ngôi làng hẻo lánh ở bang Uttar Pradesh đông dân nhất của Ấn Độ, người dân tin rằng COVID-19 chỉ lây lan ở các thành phố. Họ không tin virus sẽ xuất hiện ở các ngôi làng.
Vì vậy, khi một nhóm nhân viên y tế tiếp cận Manju Kol để tiêm phòng, cô khóa cửa, đưa con cái chạy vào khu rừng gần đó.
Gia đình Kol trốn ở đó hàng giờ và chỉ trở về khi các nhân viên y tế rời đi vào buổi tối.
"Tôi thà chết chứ không chịu tiêm vaccine", Kol nói.
Đà lây nhiễm trong đợt dịch thứ hai của Ấn Độ đã giảm dần. Nhưng các con số có thể tăng trở lại nếu người dân vẫn ngại đi tiêm chủng. Các chuyên gia cảnh báo tâm lý ngại đi chích ngừa có thể khiến những thành quả chống dịch vừa chớm nở của quốc gia Nam Á bị dập tắt.
"Sự chần chừ trong việc tiêm chủng ảnh hưởng tới mục tiêu chấm dứt đại dịch ở Ấn Độ. Virus lây lan càng nhiều, nó càng dễ đột biến thành các biến thể mới có thể nguy chống lại vaccine", Tiến sĩ T. Jacob John, nhà virus học Ấn Độ cho hay.
Việc cung cấp vaccine ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới luôn là một thách thức. Ấn Độ đang gặp khó do tình trạng thiếu hụt nguồn cung và thái độ bất hợp tác của người dân.
Hiện chỉ có dưới 5% dân số Ấn Độ được tiêm chủng đầy đủ.
Ở nhiều nơi, nhân viên y tế vấp phải sự phản kháng quyết liệt từ những người tin rằng vaccine không hiệu quả, gây tác dụng nghiêm trọng và thậm chí có thể gây chết người. Một số nói họ không cần tiêm vì đã miễn dịch với COVID-19.
Những lời đồn đại về việc tiêm chủng làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt và giảm khả năng sinh sản gây hoang mang, dấy lên tâm lý tiêm chủng chỉ có lợi cho nam giới.
Ở nhiều bang của Ấn Độ, số lượng nam giới đi tiêm chủng nhiều hơn nữ giới. Khoảng cách này đang được nới rộng mỗi ngày.
Việc dập tắt những tin đồn và thuyết âm mưu là nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt là những nơi sinh sống của các bộ lạc.
Yogesh Kalkonde, một bác sĩ y tế công cộng ở Gadchiroli - khu vực có nhiều bộ tộc sinh sống ở phía tây bang Maharashtra cho biết người dân ở đây tin rằng vaccine còn nguy hiểm hơn cả virus.
Nhiều người lan truyền các thông tin sai lệch như các mũi tiêm có thể gây vô sinh.
"Chúng tôi phải thuyết phục mọi người, tới từng nhà và nhờ những người đã tiêm vaccine truyền tải thông tin. Đó là một quá trình cực kỳ chậm chạp", Kalkonde cho biết.
Trong nhiều tháng, nữ y tá Vibha Singh tới gõ từng nhà dân trong các ngôi làng ở Uttar Pradesh.
"Mọi người nói với chúng tôi rằng hãy rời đi nếu không họ sẽ đánh chúng tôi. Đôi khi họ ném cả gạch vào chúng tôi", Singh chia sẻ.
Khi các đồng nghiệp của Singh tới tiêm chủng cho dân chủng ở làng Sikanderpur trong cùng bang, người dân xua đuổi họ.
"Vaccine sẽ bảo vệ tôi. Chúa gửi tôi tới đây một cách an toàn, ngài sẽ tiếp tục bảo vệ tôi", một cư dân địa phương cho hay.
Thủ tướng Narendra Modi và các quan chức chính phủ thường xuyên về sự cần thiết của tiêm chủng, nhưng các chuyên gia cho rằng các tuyên bố cần nhiều và mạnh mẽ hơn.
"Cần phải có thêm các cuộc trò chuyện, trao đổi, không chỉ là chỉ thị từ trên rót xuống", K. Srinath Reddy, Chủ tịch Quỹ Y Tế Cộng đồng Ấn Độ cho hay.
Vấn đề chần chừ tiêm chủng không chỉ cầm chân Ấn Độ - vùng dịch lớn thứ hai thế giới. Mỹ - một trong những quốc gia tiêm chủng nhanh nhất thế giới cũng đang đau đầu khi đang ở sát vạch đích.
Hôm 22/6, Nhà Trắng thừa nhận Mỹ sẽ không đạt mục tiêu 70% người trưởng thành được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19 trước ngày Quốc khánh 4/7. Đây là mục tiêu mà Tổng thống Biden đặt ra hồi đầu tháng 5.
Tính đến hiện tại, hơn 150 triệu người Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ, 65,4% người trưởng thành đã được tiêm ít nhất 1 liều.
Dù được bơi trong bể vaccine với nhiều lựa chọn, người dân Mỹ ngày càng ngại đi chích ngừa.
Chính quyền các bang đang phải áp dụng các biện pháp mạnh tay với các đối tượng này.
Mới đây nhất 150 nhân viên tại bệnh viện Houston Methodist đã phải từ chức hoặc bị sa thải sau khi từ chối tiêm vaccine. Từ đầu tháng 4, bệnh viện này yêu cầu nhân viên tiêm chủng trước ngày 7/6 nếu không muốn bị chấm dứt hợp đồng.
Tới cuối tháng 5, khoảng 120 nhân viên đệ đơn kiện bệnh viện, cho rằng họ đang bị buộc trở thành "chuột thí nghiệm" như một điều kiện để tiếp tục công việc. Tuy nhiên, đơn kiện này đã bị bác bỏ.
Nhiều bệnh viện sau đó học theo cách làm của Houston Methodist. Indiana University Health, hệ thống bệnh viện lớn nhất ở bang Indiana yêu cầu nhân viên của mình đi chích ngừa trước ngày 1/9.
Hàng loạt các bệnh viện Washington, Maryland, Pennsylvania cũng buộc nhân viên đi tiêm phòng trước tháng 9.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhieu-dan-my-an-do-cu-tuyet-tiem-vaccine-covid-19-ar619944.html