Nhiều đạo luật quan trọng về kinh tế được ban hành trong giai đoạn 2016-2020
Chính phủ tổ chức hội nghị về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật.
Giai đoạn 2016 - 2020 nhiều đạo luật quan trọng về kinh tế được ban hành, sửa đổi, bổ sung, như Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Luật sửa đổi, bổ sung mốt số điều của Luật Đầu tư năm 2020,…
Đó là thông tin từ báo cáo tổng quan về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Tư pháp trình bày tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật, sáng 24/11.
5 năm ban hành 71 luật
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Tư pháp, trong giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống pháp luật của Việt Nam không ngừng hoàn thiện. Hệ thống pháp luật phát triển cơ bản cân đối trên mọi lĩnh vực.
Hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, cơ bản thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, không chỉ góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn đảm bảo xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, chủ động hội nhập quốc tế của đất nước.
Mặc dù khó lượng hóa nhưng hệ thống pháp luật đã trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu trình bày.
Ông Hiếu cho biết, trong giai đoạn này, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 112 văn bản (71 luật, 2 pháp lệnh, 22 nghị quyết của Quốc hội, 17 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), giảm 8 văn bản so với giai đoạn 2011 - 2015.
Việc giảm về số lượng được Bộ Tư pháp nhìn nhận là thể hiện chuyển dần theo hướng chỉnh tinh hệ thống pháp luật, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các luật, pháp lệnh, nghị định đáp ứng nhu cầu của đời sống kinh tế - xã hội.
Pháp luật về kinh tế có bước phát triển mới
Trong lĩnh vực pháp luật về dân sự, kinh tế, Bộ tư pháp đánh giá tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với đặc điểm của thể chế kinh tế thị trường hiện đại và thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thực hiện các cam kết quốc tế. Chế độ sở hữu, pháp luật về các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và thể chế cho việc đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đều có bước phát triển mới. Các quyền và nghĩa vụ về tài sản được thể chế hóa tương đối đầy đủ. Vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được coi trọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt kết quả tích cực, đội ngũ doanh nhân không ngừng lớn mạnh.
Thể chế về các yếu tố thị trường và các loại thị trường được hình thành đồng bộ hơn, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện và thông thoáng hơn; quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được đảm bảo hơn.
Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2014 đã được ban hành theo hướng đơn giản hóa điều kiện, thủ tục cấp phép, dỡ bỏ hàng loạt hạn chế, bất cập của quy định cũ, mở rộng các nhóm quyền tự quyết của doanh nghiệp, báo cáo nêu rõ.
Nhiều đạo luật quan trọng được ban hành, sửa đổi, bổ sung trong giai đoạn này, như: Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Luật sửa đổi, bổ sung mốt số điều của Luật Đầu tư năm 2020,…
Thứ trưởng Hiếu cũng nhấn mạnh, trong giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ tập trung vào việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy khởi nghiệp, giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân. Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước;…; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành rà soát cắt giảm 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhằm gỡ bỏ những rào cản bất hợp lý và tạo môi trường thông thoáng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh. Những nỗ lực cải cách của Việt Nam về môi trường đầu tư, kinh doanh đã được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
So với năm 2015, xếp hạng môi trường kinh doanh (Doing Business 2020) của Việt Nam đã tăng 20 bậc (hiện xếp thứ 70 trong 190 nền kinh tế). Ngày 12/5/2020 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, khẳng định rõ quan điểm “lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thúc đẩy, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động kinh doanh; giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh”.
Đồng thời Nghị quyết đặt ra mục tiêu: trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành; giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế như hệ thống pháp luật chưa thực sự đồng bộ, tính thống nhất chưa cao, nhất là trong lĩnh vực về điều kiện đầu tư, kinh doanh và lĩnh vực quy hoạch. Hạn chế nữa là vẫn còn cồng kềnh với nhiều hình thức văn bản, do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành, một số nội dung còn có sự mâu thuẫn, như giữa Luật Điện lực, Luật Đầu tư với Luật Xây dựng; Luật Dầu khí với Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trong lĩnh vực điện lực, lĩnh vực dầu khí....