Nhiều ĐBQH tranh luận về áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước
Hiện có các luồng ý kiến khác nhau về phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và dự án sử dụng vốn nhà nước.
Quản lý chặt chẽ đầu tư của DNNN
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) trong phiên họp sáng 24/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, hiện còn ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu với DNNN và dự án sử dụng vốn nhà nước.
Tại dự thảo luật trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất chỉ áp dụng với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và DNNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Chính phủ cũng đề xuất không áp dụng Luật Đấu thầu với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc các dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.
Quá trình thảo luận cho thấy có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đồng ý với đề xuất của Chính phủ vì cho rằng điều này nhằm bảo đảm quyền tự chủ, tự quyết định của doanh nghiệp. Việc tiếp tục mở rộng hơn nữa đối tượng doanh nghiệp phải tuân thủ Luật Đấu thầu sẽ dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, làm giảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Loại ý kiến thứ 2 cho rằng, nếu quy định như dự thảo thì sẽ thu hẹp đáng kể đối tượng dự án sử dụng vốn nhà nước phải đấu thầu, tạo khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn nhà nước dẫn tới các dự án đầu tư của công ty con của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN khác... sẽ không phải đấu thầu theo quy định của luật này.
Thảo luận sau đó, các đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang), Khang Thị Mào (Yên Bái) tán thành với nhóm ý kiến thứ 2, bởi trong thực tế có nhiều DNNN đã sử dụng vốn của mình để thành lập các pháp nhân phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh.
"Ở nơi đâu có sử dụng vốn, tiền ngân sách nhà nước thì ở đó phải có cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực" - bà Hà nêu quan điểm và nhấn mạnh, với những doanh nghiệp có quyền chi phối thuộc về DNNN thì cần áp dụng cơ chế đấu thầu như dự án sử dụng vốn nhà nước.
Việc này, theo đại biểu của Bắc Giang, sẽ giúp quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của DNNN và nguồn vốn của DNNN đầu tư góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà DNNN nắm quyền chi phối, đồng thời sẽ giữ được vai trò điều tiết trụ cột cho nền kinh tế.
Khắc phục tiêu cực không chỉ bằng Luật Đấu thầu
Ở chiều ngược lại, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) nhìn nhận, nếu mở rộng phạm vi đấu thầu như trên đồng nghĩa mở rộng thêm 4 nhóm đối tượng phải áp dụng luật đấu thầu, là đánh đồng các chủ thể, áp dụng cứng nhắc một phương thức quản lý.
"Luật Đấu thầu không phải là công cụ duy nhất để quản lý DNNN" - đại biểu Hiếu nêu rõ. Theo ông Hiếu, nếu như áp dụng cứng nhắc luật đấu thầu cho các công ty con của DNNN thì có thể làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh kém linh hoạt, có thể bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh thì không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư mà lợi ích của Nhà nước trong đấy cũng bị ảnh hưởng" - ông Hiếu chỉ ra. Không chỉ thế, đại biểu còn nhận thấy, việc mở rộng phạm vi áp dụng đấu thầu còn có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, ảnh hưởng đến doanh nghiệp đã cổ phần hóa và quá trình đẩy mạnh việc cổ phần hóa.
Chung quan điểm, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nhấn mạnh cần phải phân biệt vốn ngân sách Nhà nước trong dự án chứ không phải là doanh nghiệp có bao nhiêu phần trăm là của Nhà nước thì cần phải đấu thầu. "Vấn đề nằm ở chỗ kiểm soát đồng vốn của Nhà nước được đầu tư vào dự án, còn lại phải bảo đảm quyền định đoạt tài sản, sự linh hoạt, chủ động của doanh nghiệp" - ông Hạ nói.
Nêu ý kiến tranh luận, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) bày tỏ, đấu thầu là biện pháp để bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế. "Tại sao loại trừ doanh nghiệp này khỏi điều tốt đẹp như vậy" - ông Lê Hoàng Anh thắc mắc. Thậm chí, theo ông, các doanh nghiệp có vốn Nhà nước cần phải đi đầu để các doanh nghiệp khác trong cả nước cùng thực hiện.
Tán thành, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) dẫn thống kê cho biết, tại 13 tập đoàn, tổng công ty được khảo sát thì có trên 17.000 gói thầu đang được triển khai. "Nếu áp dụng như phương án 1 chỉ còn 17%, đặc biệt như EVN với trên 10.000 gói thầu, giá trị trúng thầu là trên 43.000, tỷ lệ tiết kiệm 8%" - ông Toàn tính toán, đồng thời đặt vấn đề "liệu chúng ta có từ bỏ công cụ quản lý này không?".
Tranh luận với đại biểu Toàn, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng: "Không phải anh cứ làm ra Luật Đấu thầu, anh làm một số vòng kim cô như thế thì anh cho là mọi việc sẽ tốt. Yếu tố cuối cùng vẫn là con người và doanh nghiệp, chúng ta đã phân biệt DNNN và doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước. Bây giờ DNNN trên 50% đi đầu tư vào một doanh nghiệp khác thì có khi ông chỉ chiếm 5%, 10% vốn của doanh nghiệp kia mà cũng phải chịu sự chi phối của Luật Đấu thầu. Điều đó là cực đoan và không cần thiết".
Lưu ý doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về kết quả cuối cùng của họ, đại biểu Nghĩa nói, ai tham nhũng, tiêu cực thì đã có cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra vào cuộc. "Chúng ta điều tra các dòng tiền, chúng ta điều tra bằng những phương tiện khác chứ không phải chỉ có dùng Luật Đấu thầu mà chúng ta khắc phục được tất cả tiêu cực và tham nhũng" - đại biểu TPHCM nêu quan điểm.