Nhiều đề xuất gỡ khó cho người gom rác dân lập
Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM tiếp thu những kiến nghị về hỗ trợ đào tạo nghề, tuyển dụng lao động làm công việc thu gom rác và sẽ phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để bàn thêm chính sách
Ngày 3-7, trong chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" chủ đề "Quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt" do Thường trực HĐND TP HCM phối hợp Đài Truyền hình TP HCM, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức, đại diện cơ quan chức năng đã nhìn nhận các khó khăn và đề xuất các giải pháp quản lý rác sinh hoạt tốt hơn trên địa bàn thành phố.
Nói về những khó khăn trong công tác thu gom rác dân lập, bà Nguyễn Kim Hoa, Giám đốc HTX Vệ sinh môi trường Liên Minh (TP Thủ Đức), cho biết theo lộ trình chuyển đổi phương tiện xe thu gom rác thì chậm nhất đến năm 2023, các quận nội thành phải chuyển đổi xong phương tiện. Hiện nay, HTX Liên Minh cũng đôn đốc xã viên chuyển đổi phương tiện nhưng thực tế rất khó khăn vì thu nhập của xã viên chỉ đủ sống, muốn mua phương tiện lớn phải vay vốn từ quỹ bảo vệ môi trường.
Ngoài khó khăn chuyển đổi phương tiện thu gom rác, nhiều HTX than khó khi thành phố ban hành các quyết định về giá thu gom rác, một số địa phương ban hành đơn giá quá thấp khiến người thu gom thiệt thòi.
Tại chương trình, một số HTX thu gom rác cũng đề xuất thành phố có chính sách hỗ trợ người thu gom như chế độ BHXH, BHYT, hợp đồng lao động giúp người thu gom rác an tâm làm việc và xem đây là một ngành nghề thực thụ.
Giải đáp những kiến nghị của đơn vị thu gom rác, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, cho biết từ năm 2014, khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực, thành phố ban hành Quyết định 38, theo đó đưa ra khung giá thu gom rác tối đa và phân quyền về các địa phương tùy tình hình thực tế điều chỉnh cho phù hợp. Quyết định này cơ bản đáp ứng việc điều chỉnh từ phí sang giá nhưng gặp một số khó khăn khi thực hiện. Theo ông Thắng, sắp tới thành phố sẽ cùng các sở ngành xem xét, bổ sung, sửa đổi Quyết định 38 cho phù hợp quy định pháp luật, áp dụng thống nhất trên toàn địa bàn.
Về đề xuất hỗ trợ người thu gom rác chuyển đổi phương tiện, Giám đốc Sở TN-MT thông tin từ năm 2017 đến nay, thành phố tiếp nhận 75 dự án của các HTX đề nghị hỗ trợ vốn và lãi suất, đã hỗ trợ 68 dự án với tổng kinh phí trên 80 tỉ đồng. Ngoài ra, thành phố đang nghiên cứu đề án hỗ trợ kinh phí để các HTX môi trường thuê mặt bằng hoạt động… "Thu gom rác là nghề khá đặc biệt, khi xây dựng chính sách, chúng tôi cũng đặt tình cảm vào. Sở TN-MT tiếp thu những kiến nghị về đề xuất hỗ trợ đào tạo nghề, tuyển dụng lao động làm công việc thu gom rác và sẽ phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để bàn thêm chính sách" - ông Thắng cho hay.
Trước các câu hỏi của cử tri về tình trạng rác tỉnh trà trộn, đổ về các depot rác của TP HCM, trung tá Nguyễn Văn Đạt, Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP HCM, cho biết có một số nguyên nhân như lực lượng thu gom lợi dụng thu gom các vùng giáp ranh, lấy rác cho các hộ ở tỉnh Long An và TP HCM nhưng đưa phương tiện về TP HCM để hưởng một số ưu đãi về chính sách; lợi dụng địa bàn giáp ranh, khó kiểm soát nên trà trộn, lén lút đổ trộm…
Để chấn chỉnh tình trạng này, trung tá Nguyễn Văn Đạt cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, Phòng Cảnh sát môi trường đã ra quân kiểm tra, xử lý và lập biên bản hàng chục vụ việc, nhiều trường hợp bị tịch thu phương tiện. Ngoài ra, Công an TP HCM cũng tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát giác, báo cáo các trường hợp vi phạm để xử lý nghiêm.