Nhiều đề xuất thiết thực tăng cường hợp tác nghị viện Á - Âu
Hội nghị Đối tác Nghị viện Á - Âu lần thứ 11 (ASEP-11) do Quốc hội Vương quốc Campuchia chủ trì tổ chức là hoạt động ngoại giao nghị viện đầu tiên của Quốc hội Khóa XV trong khuôn khổ hợp tác liên khu vực Á - Âu. Sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn tại ASEP-11 tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam và cam kết của Quốc hội trong thúc đẩy hợp tác nghị viện đa phương. Tại hội nghị, Đoàn Việt Nam chủ động đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác, đóng góp thiết thực vào hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở cả hai châu lục.
Đóng góp thực chất, nâng cao hiệu quả hợp tác
Diễn ra trong một ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự đầy đủ các hoạt động của Hội nghị ASEP-11 (gồm phiên khai mạc, phiên toàn thể thứ nhất và thứ hai, các phiên thảo luận chuyên đề, phiên họp của Ủy ban soạn thảo dự thảo Tuyên bố chung, phiên bế mạc) với nhiều đóng góp, đề xuất thiết thực.
Tham dự Phiên thảo luận trực tuyến chuyên đề về “Tăng cường sự chủ động tham gia của Nghị viện các nước vì hòa bình và phát triển bền vững”, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong dẫn đầu khẳng định, Quốc hội Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại, trao đổi và đồng hành với Nghị viện các nước thành viên ASEP để nâng tầm hợp tác của diễn đàn, chung tay xây dựng quan hệ đối tác nghị viện Á - Âu ngày càng năng động, gắn kết vì sự phát triển, thịnh vượng chung của hai châu lục.
Trong 25 năm qua, trên nền tảng hợp tác ASEM (Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu) và ASEP, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các thành viên của diễn đàn ngày càng được đẩy mạnh và nâng tầm. Các thành viên ASEM hiện chiếm 23 trên tổng số 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam; đóng góp khoảng 70% giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài, 70% giá trị thương mại quốc tế và 80% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới được ký kết, như FTA giữa Việt Nam với Liên minh trong kinh tế Á - Âu và FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đôn Tuấn Phong nhấn mạnh, “một ASEP ngày càng gắn kết bởi các quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các thỏa thuận, hiệp định thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên sẽ là nền tảng vững chắc góp phần gắn kết, củng cố hòa bình, an ninh và phát triển bền vững”.
Để tăng cường vai trò chủ động của Nghị viện vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đề xuất, các nghị sĩ cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc đề cao luật pháp quốc tế và các nguyên tắc ứng xử chung nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ngăn ngừa xung đột, bảo đảm ổn định và thịnh vượng ở hai khu vực; thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện, năng động vì sự phát triển mạnh mẽ, cân bằng, bền vững, bao trùm và sáng tạo. Tăng cường đối thoại nghị viện Á - Âu góp phần chia sẻ thông tin để nâng cao sự hiểu biết, xây dựng lòng tin cùng tìm ra biện pháp ứng phó với các thách thức toàn cầu cấp bách hiện nay. Đồng thời, thúc đẩy các động lực mới cho tăng trưởng; hỗ trợ hợp tác ASEM triển khai đồng bộ ba trụ cột hợp tác: chính trị - an ninh; kinh tế - tài chính; xã hội - văn hóa và các lĩnh vực khác. Nghị viện các nước cần tiếp tục thúc đẩy phê chuẩn, tham gia thực hiện các điều ước, thỏa thuận đa phương; xây dựng, sửa đổi bổ sung và nội luật hóa phù hợp với các điều ước quốc tế đã tham gia, tăng cường giám sát việc thực hiện hiệu quả các thỏa thuận quan trọng đã đạt được qua thương lượng đa phương.
Tham gia tại phiên thảo luận chuyên đề “Thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu trong và sau đại dịch Covid-19”, Đoàn Việt Nam khẳng định quan điểm, việc thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu trong và sau đại dịch là quá trình lâu dài, đòi hỏi nỗ lực thường xuyên, liên tục và cần thiết có sự phối hợp chặt chẽ giữa nghị viện các quốc gia thành viên, nhất là khi thế giới đang bước vào giai đoạn ứng phó với đại dịch trong trạng thái “bình thường mới”.
Đoàn Việt Nam đề xuất giải pháp tăng cường thúc đẩy quan hệ đối tác giữa ASEP và các tổ chức nghị viện khu vực, tổ chức nghị viện quốc tế trong công tác ngăn ngừa, xử lý khủng hoảng, tình trạng khẩn cấp, như đại dịch Covid-19, đi đôi với tạo điều kiện cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nghị viện thành viên cần khẩn trương hoàn thiện chính sách quốc gia để vừa bảo đảm ứng phó với diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch, vừa bảo đảm các biện pháp hỗ trợ kịp thời, linh hoạt, có hiệu quả phục hồi nền kinh tế trong trung và dài hạn. Đặc biệt là theo hướng phục hồi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thông qua thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, đầu tư xuyên biên giới, vận tải quốc tế, năng lượng, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tăng cường các biện pháp kết nối, quảng bá du lịch, áp dụng thống nhất chính sách “hộ chiếu vaccine”, phân bổ ngân sách hợp lý, kịp thời và tăng cường giám sát, trách nhiệm giải trình của Chính phủ khi triển khai các chương trình, cơ chế xử lý khủng hoảng, khôi phục nền kinh tế vượt qua đại dịch. Đây cũng là một trong những trọng tâm ưu tiên trong chương trình nghị sự của nghị viện các nước thành viên, trong đó có Quốc hội Việt Nam.
Ảnh: Hồ Long
Liên quan đến phát triển bền vững, Đoàn Việt Nam tham gia tích cực tại phiên thảo luận chuyên đề “Giải quyết mối quan hệ về an ninh lương thực - năng lượng - nước trong điều kiện khí hậu thay đổi”. Các giải pháp được Đoàn Việt Nam đề xuất, gồm: Cần xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển vùng kinh tế, trong đó bao quát các mối tương quan về nước, năng lượng và an ninh lương thực. Thực hiện tốt các giải pháp về phát triển thủy lợi, năng lượng thủy điện, an ninh lương thực quốc gia, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao trong trữ nước, cấp nước và tưới nước; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tương ứng với khả năng cấp nước. Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ nguồn sinh thủy...
Nâng tầm quan hệ đối tác nghị viện liên khu vực
ASEP-11 diễn ra trong bối cảnh đầy thách thức, khi liên khu vực Á - Âu và thế giới tiếp tục phải ứng phó với đại dịch Covid-19 cùng những hệ lụy khôn lường của đại dịch. Đó là khủng hoảng về y tế, việc làm, gia tăng bất bình đẳng, đói nghèo, suy giảm kinh tế và bất ổn chính trị. Thế giới cũng đang đối mặt với những nhân tố phức tạp khác như: Xung đột vũ trang, cạnh tranh địa chính trị, biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên biên giới, khủng bố, sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, mất cân bằng hệ sinh thái…
Trong phát biểu tại phiên toàn thể thứ nhất, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự ASEP-11 nhấn mạnh, “đối mặt với những thách thức đó, không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự mình giải quyết mà cần có sự hợp tác của tất cả các nước trên thế giới. Hơn bao giờ hết, Nghị viện với vai trò là cơ quan đại diện cao nhất của người dân, cần tích cực thúc đẩy hợp tác, giúp kết nối, phát huy sức mạnh để ứng phó hiệu quả hơn”.
Là thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng hợp tác đa phương, hợp tác nghị viện khu vực và liên khu vực trong đó có ASEM, ASEP. Nhằm thúc đẩy sự đồng hành của ASEP trong việc tăng cường quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình và phát triển bền vững trong và sau đại dịch Covid-19 ở cả hai khu vực và trên toàn cầu, Trưởng đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đề xuất Nghị viện các nước Á - Âu tiếp tục duy trì cam kết chính trị mạnh mẽ nhằm thúc đẩy hợp tác đa phương, hợp tác liên nghị viện, tăng cường đối thoại, chia sẻ quan điểm và các giá trị cốt lõi, nâng cao hiểu biết, xây dựng lòng tin trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, đóng góp thiết thực vào các chương trình nghị sự khu vực và toàn cầu.
Việc Quốc hội nước ta cử đoàn đại biểu cấp cao do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị ASEP-11 lần này tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam đối với các hoạt động ngoại giao nghị viện khu vực và thế giới ngay từ năm đầu của nhiệm kỳ mới. Tại hội nghị, Đoàn Việt Nam tham gia thảo luận các vấn đề và thách thức toàn cầu; thúc đẩy đoàn kết, thống nhất trong nỗ lực chung để ASEP thực sự trở thành cơ chế song hành với ASEM - cơ chế đối thoại, hợp tác nghị viện lớn nhất giữa hai châu lục, góp phần củng cố vai trò của nghị viện trong thúc đẩy hợp tác, liên kết đa tầng nấc vì hòa bình và phát triển. Đồng thời cũng thể hiện sự ủng hộ đối với Quốc hội Campuchia trong vai trò chủ nhà ASEP và ASEM, góp phần củng cố mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai nước, quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai Quốc hội.