Nhiều địa bàn ở Hương Sơn ngập cục bộ, giao thông bị chia cắt
Mưa lớn, nước sông Ngàn Phố đang ở mức cao, các địa phương trên địa bàn huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) gấp rút triển khai ứng phó với mưa lũ, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Nhiều cầu tràn và một số tuyến đường đã bị ngập, chia cắt buộc chính quyền địa phương, lực lượng công an túc trực, cảnh báo nguy hiểm.
Do hoàn lưu của cơn bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ tối 28/10 đến rạng sáng 30/10, trên địa bàn huyện Hương Sơn xẩy ra mưa to đến rất to. Mực nước sông Ngàn Phố có lúc gần đến mức báo động III.
Trước dự báo mưa lớn có thể kéo dài đến ngày 31/10, huyện Hương Sơn chỉ đạo các địa phương huy động mọi nguồn lực khẩn trương triển khai các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn cho người và tài sản của Nhân dân.
Một số địa phương vùng thấp trũng chủ động di dời tài sản và sơ tán dân đến nơi an toàn.
Các vùng hạ du, vùng thấp trũng như: Sơn Giang, thị trấn Phố Châu đã có 94 hộ nước ngập vào nhà và nhiều tuyến đường trục xã, liên thôn ở các xã: Sơn Tiến, Kim Hoa, Sơn Bằng, An Hòa Thịnh.. bị ngập.
Trước dự báo mưa lớn kéo dài, nước sông dâng cao, gây ngập lụt, chính quyền các địa phương chủ động sơ tán 59 hộ với 150 nhân khẩu và nhiều tài sản của người dân về nơi an toàn.
Mưa lớn, nước đã gây ngập một số nhà dân tại thôn 4 - xã Sơn Giang.
Ông Phạm Kim Tuyến - Chủ tịch UBND xã Sơn Bằng cho biết: Nước Sông Ngàn Phố dâng lên làm ngập một số đường trục thôn và vào sát mép nhà dân. Đề phòng mưa lớn, gây ngập sâu trong đêm, chiều ngày 29/10, Ban chỉ đạo PTCT - TCKN xã cùng thôn Kim Bằng tiến hành chỉ đạo các hộ dân di dời tài sản trâu, bò, phương tiện giao thông lên vùng cao. Những hộ có người già cả neo đơn đã được thôn bố trí về nhà người thân tạm trú. Hiện tại, xã đã sơ tán 5 hộ dân về trụ sở UBND xã tránh lũ.
Bí thư huyện ủy Hương Sơn Trần Văn Kỳ đến động viên các hộ gia đình đi sơ tán, đồng thời chỉ đạo các địa phương phải đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất về chỗ ăn ở, sinh hoạt và an toàn cho người dân.
Tại xã Sơn Châu, chính quyền địa phương huy động nhân lực, vật lực để bảo vệ tuyến đê Tân Long.
Xã Sơn Châu huy động hàng trăm nhận lực, vật lực hộ tuyến đê trọng yếu Tân Long.
“Đây là tuyến đê (làm bằng đất) trọng yếu đi qua địa bàn xã, trong đó có 150m có nguy cơ mất an toàn. Xã đã chỉ đạo 2 thôn Nam Đoài, Yên Thịnh huy động 170 người, chở 20 xe đất, đóng hàng trăm bì đất để bảo vệ tuyến đê đề phòng mưa lũ xảy ra”, ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Châu cho hay.
Đảm bảo an toàn tài sản cho doanh nghiệp, xã Sơn Kim 2 đã huy động hàng chục lực lượng giúp Xí nghiệp chè Tây Sơn bốc dỡ 50 tấn chè và lực lượng xã Sơn Lĩnh giúp nhân dân thôn 4 di chuyển 5 tấn xi măng để làm đường giao thông nông thôn tránh ngập lụt.
Lực lượng chức năng xã Sơn Lĩnh giúp thôn 4 di chuyển xi măng để tránh ngập lũ.
Do mưa lớn trong ngày, nguy cơ sạt lở đất, xã Sơn Lâm cũng đã tiến hành sơ tán 5 hộ dân tại vùng có nguy cơ cao.
Ngoài ra, các xã Sơn Kim1, Sơn Kim 2, Sơn Hồng, Sơn Lĩnh luôn theo dõi sát sao, nắm chắc tình hình diễn biến của thời tiết để chủ động triển khai các phương án kịp thời, ứng phó với lũ quét, sạt lở đất.
Bí thư huyện ủy Trần Văn Kỳ kiểm tra một số hồ đập trên địa bàn các xã Sơn Tiến, Sơn Lễ có nguy cơ mất an toàn cao...
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, tất cả lãnh đạo huyện đều trực tiếp đến các địa phương đã được phân công để chỉ đạo ứng phó với mưa lũ.
Tại đập Khe Nhảy (xã Sơn Tiến) mức nước đã chảy qua tràn hơn 20cm, chính quyền địa phương cũng đã chủ động bố trí khoảng 50m3 đất để sẵn sàng bảo vệ công trình khi xẩy ra mưa lớn kéo dài.
Nhiều hồ đập xuống cấp hiện đã “no” nước, nguy cơ mất an toàn cao.
Tại 91 hồ đập lớn nhỏ trên địa huyện hầu hết mực nước đã đạt trên dung tích thiết kế, có nguy cơ mất an toàn. Trước tình thế cấp bách, một số địa phương đã sẵn sàng phương án sơ tán dân ở gần hồ đập, đồng thời bố trí nhân lực, vật lực, phương tiện để bảo vệ công trình và người dân vùng hạ du khi có sự cố xảy ra.