Nhiều địa danh nổi tiếng xuất hiện trên hộ chiếu mới của Việt Nam
Bên cạnh hình ảnh quen thuộc, gắn bó với làng quê Việt Nam như lũy tre, cánh đồng lúa, mái đình... nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng cũng có trên hộ chiếu phổ thông mới.
Từ ngày 1.7, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an bắt đầu triển khai cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chip theo mẫu mới cho công dân. Mẫu hộ chiếu mới gồm 50 trang, được thiết kế công phu và in hình ảnh những địa danh nổi tiếng, đặc trưng nhất của Việt Nam.
Hộ chiếu mới được in nhiều địa danh nổi tiếng của Việt Nam
Mẫu hộ chiếu mới được thiết kế công phu, trên mỗi trang là hình ảnh tiêu biểu phong cảnh, hình tượng về chủ quyền quốc gia, di sản văn hóa nổi tiếng của đất nước như: Vịnh Hạ Long, Kinh đô Huế, Đền Hùng, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Bến cảng Nhà Rồng, Cột cờ Lũng Cú, cổng Tò Vò ở đảo Lý Sơn... thể hiện được truyền thống, lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam, đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Sau đây là một số địa danh nổi tiếng xuất hiện trên hộ chiếu phổ thông Việt Nam.
Bến Nhà Rồng, TP.HCM là một trong những địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa to lớn trong lịch sử Việt Nam. Chính tại nơi đây, Bác Hồ đã bắt đầu chuyến hành trình hơn 30 năm ra đi tìm đường cứu nước. Bến Nhà Rồng từng là một trụ sở của thương cảng Sài Gòn, do người Pháp xây dựng vào năm 1863.
Vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh. Điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới bởi hàng nghìn hòn đảo nhỏ.
Phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam với nét đẹp cổ kính và thơ mộng. Phố cổ Hội An là cái nôi văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Nơi đây vẫn gìn giữ được gần như nguyên vẹn hơn 1.000 di tích kiến trúc cổ với những ngôi đền, phố xá, nhà cửa, hàng quán.
Phố cổ Hội An cũng xuất hiện trên cuốn hộ chiếu phổ thông mới của Việt Nam - Ảnh: VP
Cũng là một địa danh thuộc Quảng Nam xuất hiện trên hộ chiếu mới, Thánh địa Mỹ Sơn – thánh địa Ấn Độ giáo của Vương quốc Chăm Pa với những công trình kiến trúc cổ từng được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1999.
Cố đô Huế - Quần thể di tích kinh thành Huế rộng 520 ha, nằm dọc bên bờ sông Hương, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993. Huế từng là kinh đô của Việt Nam dưới triều Nguyễn giai đoạn 1805-1945. Đến nay, một số công trình, kiến trúc bên trong vẫn được giữ nguyên, in đậm dấu vết thời gian.
Cổng Tò Vò, đảo Lý Sơn là địa danh rất thu hút du khách đến đây “check-in” và chiêm ngưỡng. Cổng cao khoảng 2,5 m, hình thành từ sự phun trào của núi lửa cách đây hàng triệu năm. Nơi đây hấp dẫn du khách bởi vẻ hoang sơ, không có sự tác động của con người.
Cột cờ Lũng Cú, Hà Giang. Địa danh đánh dấu cực Bắc của Việt Nam, mang ý nghĩa về chủ quyền đất nước. Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh núi Rồng, huyện Đồng Văn, ở độ cao 1.700m so với mực nước biển với lá cờ rộng 54 m2 tượng trưng cho 54 dân tộc.
Cột cờ Lũng Cú, cột mốc đánh dấu cực Bắc của Việt Nam mang ý nghĩa về chủ quyền đất nước - Ảnh: Báo Dân tộc
Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phú Thọ là quần thể di tích đền chùa, thờ phụng các Vua Hùng. Đây cũng là điểm hành hương quen thuộc của nhiều người.