Nhiều địa danh xưa sẽ xuất hiện trở lại trong tên gọi xã, phường mới ở Huế

Nhiều tên gọi từng xuất hiện trong lịch sử, dự kiến sẽ được đặt cho một số xã, phường mới ở Huế.

TP Huế vừa ban hành đề án Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp cơ sở. Trong đó, các nội dung liên quan đến các cấp xã nào được sáp nhập vào nhau, tên gọi sau sáp nhập và nơi đặt trung tâm hành chính luôn được người dân quan tâm.

Tên gọi dự kiến các xã phường mới ở Huế

Theo đề án này, tên gọi của xã, phường mới hình thành sau sắp xếp cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và được Nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.

Khuyến khích đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.

 Loạt địa danh xưa sẽ 'tái sinh' trong tên gọi xã, phường mới ở Huế.

Loạt địa danh xưa sẽ 'tái sinh' trong tên gọi xã, phường mới ở Huế.

Theo đó, sau khi tiến hành sắp xếp, khu vực thị xã Phong Điền có 5 đơn vị hành chính, tên gọi dự kiến là phường Phong Điền, Phong Thái, Phong Dinh, Phong Phú, Phong Quảng.

Khu vực Quảng Điền có 2 xã với tên gọi dự kiến là Đan Điền và Quảng Điền.

Khu vực TX Hương Trà có 3 đơn vị hành chính với tên gọi dự kiến là phường Hương Trà, Kim Trà và xã Bình Điền.

Khu vực quận Phú Xuân có 3 phường với tên gọi dự kiến là Kim Long, Hương An và Phú Xuân.

Khu vực quận Thuận Hóa có 8 phường với tên gọi dự kiến là Thuận An, Hóa Châu, Mỹ Thượng, Vỹ Dạ, Thuận Hóa, An Cựu, Thủy Xuân.

 Du khách thích thú trải nghiệm các trò chơi khi tham quan Đại nội Huế.

Du khách thích thú trải nghiệm các trò chơi khi tham quan Đại nội Huế.

Khu vực Phú Vang có 3 xã với tên gọi dự kiến là Phú Vinh, Phú Hồ, Phú Vang.

Khu vực Hương Thủy có 3 phường với tên gọi dự kiến là Thanh Thủy, Hương Thủy, Phú Bài.

Khu vực huyện Phú Lộc có 8 xã với tên gọi dự kiến là Vinh Lộc, Lộc Sơn, Lộc An, Phú Lộc, Chân Mây - Lăng Cô, Long Quảng, Nam Đông, Khe Tre.

Khu vực A Lưới có 5 xã với tên gọi dự kiến là xã A Lưới 1 đến A Lưới 5.

Tên gọi mới phải hội tụ các giá trị truyền thống

Từ khi đề án này được ban hành để lấy ý kiến Nhân dân, nhiều tên gọi nhận được sự quan tâm, đồng thuận của người dân, trong đó có nhiều cái tên từng là xuất hiện trong lịch sử.

 Người dân theo dõi hội vật truyền thống trên đất cố đô.

Người dân theo dõi hội vật truyền thống trên đất cố đô.

TS Trần Đình Hằng - Viện trưởng Phân Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch miền Trung cho biết, đặt tên gọi rất quan trọng, để chính thức định danh trên phương diện hành chính - xã hội. Từ đó, nó đi sâu vào ký ức của con người, mang lại tiện ích thực tế, ý nghĩa biểu tượng, tính thiêng.

"Một tên gọi theo nguyên tắc định danh, nhằm phản ánh thực tế (địa dư, thổ sản…), thể hiện khát vọng nhân sinh của cộng đồng, có khi là tên người (nhân danh), tên đất (địa danh) hay sự kiện lịch sử qua các thời kỳ, nên nó luôn mang tính lịch sử và dấu ấn văn hóa đặc trưng của một giai đoạn, thời kỳ lịch sử" - TS Trần Đình Hằng nói.

TS Trần Đình Hằng đưa ra gợi ý tên gọi xã Đan Điền sau khi sáp nhập một số xã ở huyện Quảng Điền vì từ thời Quang Thuận nhà Lê (1469), phủ Triệu Phong thừa tuyên Thuận Hóa có 6 huyện là Kim Trà, Đan Điền, Hải Lăng, Võ Xương, Tư Vang và Điện Bàn.

 TP Huế dự kiến có 40 phường, xã sau khi tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

TP Huế dự kiến có 40 phường, xã sau khi tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Bên cạnh đó, TS Trần Đình Hằng cho rằng có thể đặt tên theo yếu tố gốc và định vị không gian vì theo đề án sẽ không tổ chức hành chính cấp huyện thì các địa danh huyện này sẽ không còn. Do vậy, cần chọn lựa tối ưu nhất để bảo lưu những địa danh.

"Tên huyện đã định danh rõ nét trong đời sống từ trước đến nay nên có thể lấy tên huyện đặt cho xã, phường trung tâm hoặc có thể sử dụng tên huyện để đặt cho toàn bộ các xã mới, cộng thêm yếu tố định vị không gian như Đông - Tây - Nam - Bắc, có thể thêm Thượng - Trung - Hạ nếu cần thiết, phù hợp" - TS Trần Đình Hằng nói.

TS Trần Đình Hằng cho rằng, từ căn cứ địa lý tự nhiên và lịch sử văn hóa, cần thống nhất nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn, đủ căn cứ để bàn bạc, tìm ra phương án khả thi tối ưu.

Tất cả nhằm kết tinh, hội tụ các giá trị truyền thống hài hòa trong đời sống hiện nay. Tránh những cảm giác mất mát, hụt hẫng đáng tiếc hay rơi vào tranh luận bất tận. Để mọi cá nhân, cộng đồng đều phấn khởi chung tay xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

NGUYỄN DO

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-dia-danh-xua-se-xuat-hien-tro-lai-trong-ten-goi-xa-phuong-moi-o-hue-post845309.html