Nhiều địa phương chưa khai thác được thương mại điện tử

Điểm trung bình của chỉ số thương mại điện tử (EBI) giữa các địa phương năm nay là 8,5 điểm, phản ánh khoảng cách rất lớn giữa hai đầu tàu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với 61 tỉnh thành khác.

Theo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 15% và đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD trong năm 2020. Hiệp hội dự báo thương mại điện tử Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm 2021.

"Các doanh nghiệp đã năng động, thích nghi và quan tâm hơn đến kinh doanh trực tuyến. Cộng đồng người tiêu dùng trực tuyến tăng nhanh đem tới sự tăng trưởng cho nhiều ngành như: bán lẻ hàng hóa, gọi xe, giao đồ ăn, thanh toán trực tuyến, tiếp thị và đào tạo trực tuyến", VECOM đánh giá.

Báo cáo của VECOM cho thấy, bán lẻ hàng hóa trực tuyến, sản lượng bưu gửi qua dịch vụ chuyển phát năm 2020 tăng 47%. Những doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu có mức tăng trưởng bưu gửi từ 30% tới 60%.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát thấp hơn so với tốc độ tăng sản lượng. Tỷ lệ bưu gửi của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm khoảng 60% tổng bưu gửi cả nước.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của các ví điện tử cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo ước tính của VECOM, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt (COD) cho mua lẻ hàng hóa trực tuyến vẫn ở mức cao, khoảng 80%.

Năm 2021, chỉ số thương mại điện tửsẽ được tổng hợp từ 3 tiêu chí gồm: nguồn nhân lực và hạ tầng CNTT, giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng và giao dịch giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp.

Về xếp hạng chỉ số thương mại điện tử (EBI) giữa các địa phương, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu xếp hạng EBI 2021 với 67,6 điểm. Đứng thứ hai là Hà Nội với 55,7 điểm. Tuy vậy, điểm trung bình của chỉ số năm nay là 8,5 điểm, phản ánh khoảng cách rất lớn giữa hai đầu tàu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với 61 tỉnh thành khác.

Tổng quan giai đoạn 2016 - 2020, khoảng cách EBI giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương còn lại hầu như không thay đổi. Thực tế này chứng tỏ nhiều địa phương chưa khai thác được cơ hội do thương mại điện tử mang lại, đồng thời các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến chậm mở rộng quy mô kinh doanh và tăng trưởng bền vững.

Dưới góc độ doanh nghiệp vận hành sàn thương mại điện tử quy mô hàng đầu thế giới, ông Trịnh Khắc Toàn, đại diện Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, 5 năm qua tăng trưởng của doanh số bán lẻ trên nền tảng thương mại điện tử thế giới tăng lên 22%, dự báo năm 2021 mức độ tăng trưởng hơn 20%. Như vậy, phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam là xu thế tất yếu để bắt kịp đà tăng trưởng của thế giới.

Đại diện của Nielsen, bà Lê Minh Trang cho biết, với thương mại điện tử, quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng vẫn là sản phẩm thực tế liệu có giống như mô tả hay không, chất lượng sản phẩm như thế nào vì không thể nhìn thấy và trải nghiệm sản phẩm trước khi mua.

Do đó, các doanh nghiệp cần chú trọng việc cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, xây dựng hệ sinh thái trải nghiệm bền vững để người dùng có thể cảm thấy yên tâm khi mua sắm và được tận hưởng những hàng hóa, dịch vụ có chất lượng tốt nhất. Thứ nữa, cần theo dõi sát sao chất lượng sản phẩm cũng như xử lý nhanh chóng khiếu nại của khách hàng là điều rất quan trọng.

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/nhieu-dia-phuong-chua-khai-thac-duoc-thuong-mai-dien-tu-1620210031352.htm