Nhiều địa phương chưa thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng trong phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục
Dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò đang diễn biến hết sức phức tạp. Số lượng gia súc bị chết liên tục gia tăng, trong khi việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh này tại nhiều địa phương lại chưa thật sự quyết liệt.
Thông tin tại hội nghị Phòng, chống dịch bệnh VDNC trên trâu, bò tổ chức sáng 27/5, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long cho biết, sau khi xuất hiện lần đầu tại Việt Nam hồi tháng 10/2020, đến nay dịch bệnh này đã xảy ra tại 32 tỉnh, TP (bao gồm cả Hà Nội). Tổng số trâu, bò bị mắc bệnh là 60.176 con, trong đó, 9.539 con đã bị chết và tiêu hủy.
Hà Tĩnh là địa phương ghi nhận tình trạng dịch bệnh xảy ra nặng nhất với 17.420 trâu, bò bị mắc bệnh, trong đó, 2.541 con đã bị chết và tiêu hủy. Tiếp đến là các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa với số trâu bò bị chết và tiêu hủy lần lượt là: 921, 1.559 và 1.329 con. Tại Hà Nội, việc kiểm soát dịch bệnh này khá tốt khi toàn TP mới chỉ ghi nhận 21 trâu, bò bị mắc bệnh, trong đó có 5 con bị chết và tiêu hủy.
Trước diễn biến dịch bệnh VDNC, Bộ NN&PTNT chỉ đạo nhập khẩu khẩn cấp và sử dụng vaccine. Báo cáo của một số địa phương có tỷ lệ tiêm phòng vaccine cao trên 80% cho thấy việc tiêm phòng vaccine góp phần hiệu quả. Nhờ việc tiêm phòng vaccine, tình hình dịch bệnh tại nhiều tỉnh như: Sơn La, Thái nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… đã được kiểm soát. Số ổ dịch giảm rõ rệt. Mặc dù vậy theo thống kê của Cục Thú y, việc tiêm phòng vaccine hiện còn đạt khá thấp. Đến nay mới có 39 tỉnh, TP và 28 cơ sở chăn nuôi thực hiện tiêm vaccine được hơn 2 triệu liều.
Theo đánh giá, nguy cơ dịch bệnh VDNC lan rộng là rất cao. Đáng lo ngại khi lãnh đạo chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC. Nhiều địa phương chưa giám sát, phát hiện dịch bệnh, thậm chí có những nơi dịch bệnh xuất hiện 1 – 2 tháng, nhưng chính quyền sở tại không phát hiện kịp thời, chậm báo cáo cho thú y cơ sở.
Đặc biệt, dù đã có chỉ đạo rất rõ của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 631/CĐ-TTg, tuy nhiên một số địa phương chưa xây dựng kế hoạch, chưa kịp thời bố trí kinh phí hoặc có bố trí nhưng không đủ phục vụ công tác bảo đảm nguồn lực cho tiêm phòng vaccine VDNC cho vùng có dịch, hoặc địa phương có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, giải pháp vaccine đã và đang cho thấy hiệu quả tích cực trong phòng, chống dịch bệnh VDNC. Do đó đề nghị các địa phương khẩn trương có kế hoạch bố trí kinh phí để bảo đảm tiêm phòng tối thiểu 80% tổng đàn trâu, bò thuộc diện tiêm. Hỗ trợ các hộ chăn nuôi mua thuốc diệt nguồn lây nhiễm là côn trùng hút máu (ruồi muỗi, ve, mòng…)
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các địa phương tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh. Quản lý và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán trâu, bò, sản phẩm động vật trái phép. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng và hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC.